Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Tâm lý học - Bản đồ 16 tính cách

 (Minh Rong)


Hôm nay Martin chia sẻ với các bạn một công cụ tâm lý học cực mạnh. Đây là công cụ từ lâu đời nhưng trong Thế chiến hai, nó đã được cải tiến và nâng cấp. Tình cờ mà Martin đã được lĩnh hội và rất bất ngờ khi sang Israel, mình lại nghe một giáo sư cho biết công cụ này được sử dụng thường xuyên trong các bài test tuyển dung của quân đội Israel.
 
Công cụ có tên Bản đồ tính cách 16 nhóm, được phát triển dựa trên nền tảng MBTI nhưng có cải tiến. Mình xin nói rõ đây là một công cụ dựa vào mô hình descriptive, tức mô phỏng lại thực tế, nhưng không rõ ràng trong việc đưa ra lời khuyên mang tính giải pháp. Tức là sau khi sử dụng mô hình này, các bạn sẽ cảm thấy nó đoán đúng tính cách của mình quá, như đi guốc trong bụng vậy đó nhưng bạn sẽ không hiểu sâu được nguyên nhân, cũng không tìm ra được giải pháp để phát triển tối đa tiềm năng của bản thân. Để làm được việc đó chúng ta cần mô hình mang tính prescriptive, loại mô hình giúp truy cứu nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Martin sẽ chia sẻ một công cụ như vậy trong các bài sau, nó tên là La bàn 9 hướng. Bài này chỉ giới hạn một mô hình descriptive thôi nhé.
 

 
Martin sẽ giới thiệu năm nhóm yếu tố chính sẽ quyết định tính cách của một người. Yếu tố thứ nhất là "Cách lấy năng lượng", chia làm hai kiểu người là người Hướng nội và người Hướng ngoại. Người hướng ngoại cảm thấy được tiếp năng lượng từ những hoạt động mang tính nhiệt tình, như hoạt động nhóm, dã ngoại, du lịch nhóm, nói chuyện với mọi người, gặp mặt bạn bè. Nhóm này mà để họ ở một mình hơi lâu sẽ cảm thấy buồn buồn chịu không nổi, tro tàn bếp lạnh là điều tối kỵ với họ, phải hoạt động nhiều thì họ mới thấy sảng khoái và khoẻ mạnh. Ngược lại người hướng nội rất thích chill một mình, đối với họ việc tập trung chú ý vào một chủ đề mang tính cá nhân, sở thích đam mê riêng, không gian tĩnh lặng, môi trường ít xung đột là điều kiện tiên quyết để họ cảm thấy lên tinh thần, khoan khoái, dễ chịu, xả stress. Nhóm này mà bắt họ phải xã giao với người lạ, làm việc trong môi trường nhiều áp lực, hay gặp những người ăn nói bỗ bã ồn ào, thì họ sẽ thấy chán nản, khó chịu, tức giận và hiệu suất làm việc xuống rất nhanh.
 
Yếu tố thứ hai là “Ưu tiên sử dụng năng lượng”, gồm hai nhóm người Trừu tượng và Thực tế. Nhóm trừu tượng thấy những vấn đề ngắn hạn, thực tế ngay trước mắt là chuyện vặt, cỏn con, tủn mủn, không có ý nghĩa; còn người thực tế thì cho rằng những việc xa xôi là tào lao bí đao, chẳng lan quyên gì tới sự sống hiện thực. Thật ra cả hai đều quan trọng. Một sự công bằng sẽ thừa nhận người thực tế xử lý công việc hiệu quả và đáng tin cậy, trong khi người trừu tượng có khả năng think out of the box, sáng tạo, nhìn ra những khía cạnh quý giá nhưng thường bị bỏ qua do quá khó hiểu đối với người thực tế. Người trừu tượng giỏi giải đáp Why trong khi người thực tế thông thạo How.
 
Yếu tố thứ ba là “Giá trị sống ưu tiên”, gồm người Lý trí và người Tình cảm. Người lý trí quan trọng nhất sự hiệu quả: ý định dù tốt đến đâu nhưng không đúng phương pháp dẫn đến kết quả tồi thì không có giá trị. Họ sẵn sàng ra quyết định phật lòng nhiều người nếu biết cuối cùng đem lại quả ngọt. Người tình cảm quan tâm đến cảm xúc người khác hơn. Đối với họ cách làm dù tốt nhưng tổn thương mọi người thì là sai và không đáng, quan trọng không phải đích đến mà là quãng đường chúng ta bên nhau.
 
Yếu tố thứ tư là “Chiến lược sống”, gồm hai nhóm người Kỷ luật và người Tuỳ cơ ứng biến. Người kỷ luật thích lập kế hoạch cụ thể, ghét mọi việc không xảy ra theo dự trù. Họ dự trù rủi ro, tuân thủ luật lệ, hoàn thành trước hạn, quyết nhanh ngay khi còn thế chủ động. Nhờ vậy, người kỷ luật ít gặp bất ngờ, tai nạn do thiếu sót, xao nhãng. Nhưng khi sự vụ bất ngờ ập tới ngoài tất cả những dự liệu, dù nếu bình tĩnh họ dễ dàng vượt qua, thì nhóm này lại lúng túng và hoảng loạn hơn bình thường. Ngược lại người tuỳ cơ ứng biến có khả năng thích nghi nhanh, thay đổi tốt, nhanh trí, linh hoạt tuỳ hoàn cảnh có cách cư xử tốt nhất. Nhưng cũng vì vậy, họ hay “hoa rơi cửa Phật vạn sự tuỳ duyên”, ghét lập kế hoạch, bất tuân mệnh lệnh, không thích bị cầm tay chỉ việc, thiếu kiên nhẫn. Họ thường gặp tai nạn tiếu lâm vì những sai sót ấu trĩ do thiếu chuẩn bị chu đáo, đãng trí và mất tập trung.

 Yếu tố cuối cùng là “Vị trí đặt góc nhìn chính mình”, gồm người Từ ngoài nhìn vào và người Từ trong nhìn ra. Người từ ngoài nhìn vào thường tự hỏi trong mắt mọi người, trong mắt thế hệ sau, mình là người như thế nào. Họ tham vọng lớn và luôn nỗ lực tuyệt vời để thành công vì chỉ có như vậy họ mới nhìn thấy bản thân sống có ích, có giá trị. Ở phiên bản tích cực nhất, họ đóng góp lớn vào tiến trình đi về phía trước của nhân loại, mở giới hạn, biến điều không thể thành có thể. Nhược điểm là nếu mọi việc không như ý, tức là “thất bại” trong quan điểm của họ, thì họ cảm thấy chán nản, bi quan, cay cú, tự ti, xấu hổ, nặng lời chỉ trích, sỉ vả, giễu cợt. Ngược lại, người từ trong nhìn ra không tham vọng lớn, không màng người khác nghĩ gì, chỉ biết làm tốt vai trò bản thân để phù hợp với tổng thể xã hội, khiêm tốn, nhường sân cho người khác. Nếu hướng ngoại thì rất giỏi chiêu hiền đãi sĩ, vinh danh nhân tài, đắc nhân tâm và dụng người, còn nếu hướng nội thì độc lập, tỉ mỉ, tập trung và kiên định, tránh tranh chấp nhưng cũng không ngại đứng giữa một rừng tranh chấp vì tâm họ bất biến giữa dòng đời vạn biến. Có điều đặc biệt là người từ ngoài nhìn vào không thừa nhận mình là kiểu người như vậy, vì họ lo người khác sẽ đánh giá họ phụ thuộc. Còn người từ trong nhìn ra thì không thừa nhận mà cũng chẳng phủ nhận gì cả, do họ liên tục trong trạng thái tìm hiểu môi trường bên ngoài nên không để ý đến địa vị bản thân mình.
 
Đến đây Martin biết các bạn đã thấy rộn ràng nở hoa sung sướng khi được biết thêm một công cụ cực mạnh gọi là Bản đồ tính cách 16 nhóm. Với tấm bản đồ này, bạn có thể định vị rõ ràng vị trí của bản thân, người thân, bạn bè, và cả...đối thủ cạnh tranh nữa. Phần quan trọng nhất của Tấm bản đồ: cách kết hợp 5 yếu tố để cấu thành ra một nhóm tính cách, cũng như cách phân loại nhanh từ 16 nhóm thành 4 nhóm tổng quát.
 
Notice: Martin sẽ đăng tiếp ở bài sau. Nhớ bấm theo dõi chế độ xem trước FB để đọc các bài viết nhé, vì nếu không, bài dễ bị trôi, khó tìm lại. Mãi yêu các bạn. Martin Trương Đức Minh.