Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

CON GÁI - XIN ĐỪNG KẾT HÔN VỚI NGƯỜI NGHÈO

(from Bố, Mẹ vợ)

“Nếu bạn có con gái, một ngày nọ, con bé dẫn về nhà một “thằng nghèo”, bạn sẽ làm gì?

“Con gái à, mẹ luôn để con theo đuổi thứ mình thích, cho con tự do, dạy con tự trọng. Nhưng tuần trước, sau khi gặp chàng trai mà con rất thích, có mấy lời mẹ muốn nói cùng con, chỉ sợ rằng sẽ làm con buồn.
Đúng là cậu ấy rất đẹp trai, trình độ học vấn tương đương với con, thoạt nhìn vô cùng hào hoa phong nhã. Con dẫn cậu ấy đến gặp cha mẹ, nhưng giờ phút này, cha mẹ không nỡ và cũng không yên lòng, vì cậu ấy quá “nghèo”:

1. Tư tưởng “nghèo”
Con gái à, con phải nhớ kỹ những lời này của cha. Đừng tin câu “Từ sâu trong lòng, đàn ông cũng chỉ là đứa trẻ”.
Nếu người đàn ông thực sự muốn chăm lo cho một mái nhà, mặc kệ anh ta trẻ con đến đâu thì đều sẽ thay đổi, bởi vì trên vai anh ta có trách nhiệm, anh ta không còn là đứa trẻ chơi game thâu đêm, không có chí cầu tiến.

Cha và cậu ấy nói tới công việc, cậu ấy kể ra rất nhiều bất mãn, từ bị sếp “đì”, đồng nghiệp nói xấu, công ty quá xa nhà cho đến tăng ca quá nhiều… toàn lời than vãn.
Cha hỏi: “Vậy tại sao cháu không đổi việc?”
Cậu ấy trả lời: “Cháu chưa từng nghĩ tới.”
Cha lại hỏi: “Nếu đổi việc, cháu muốn làm gì?”
Cậu ấy đáp: “Cháu cũng chưa nghĩ tới, có thể sẽ nghỉ ngơi 2 tháng để đi du lịch.”


Không có câu nào cậu ấy đề cập đến kế hoạch tương lai của mình.
Cậu ấy không phải nhân viên công nghệ kỹ thuật có thể đi đâu cũng kiếm được tiền, cũng không phải làm việc trong mảng nghệ thuật cần đi chơi để lấy cảm hứng, cậu ấy chỉ đi để chơi.

Cha mẹ có thể không đòi cậu ấy sính lễ hay nhà cửa, nhưng cậu ấy có thể cho con cái gì?
Con gái à, đừng cho rằng mình có thể khiến một người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông cần con dạy cách trưởng thành sẽ mãi mãi không trưởng thành, bởi vì anh ta luôn thiếu ý thức trách nhiệm.

2. Quan điểm “nghèo”
Con nói cậu ấy rất chu đáo, rất dịu dàng, tốt bụng, chuyện gì cũng nghĩ cho con…
Con gái, mẹ và cha không chê cậu ấy còn trẻ thiếu kinh nghiệm, mà là trong một cuộc hôn nhân, quan điểm phải hòa hợp chứ không phải chỉ cần cậu ấy bưng trà rót nước, lời ngon tiếng ngọt là được.

Dẫu sao cũng là chuyện cả đời của con, mẹ phải hỏi hoàn cảnh gia đình và quan niệm sống của nhà cậu ấy. Sau khi hỏi xong, lòng cha mẹ chợt lạnh buốt.
Thứ nhất, cha mẹ cậu ấy trọng nam khinh nữ, hy vọng sau khi kết hôn, con sẽ sinh được con trai.
Thứ hai, cha mẹ cậu ấy và cả cậu ấy đều không thích con trang điểm vì họ thấy như thế là phí tiền.
Thứ ba, họ cho rằng phụ nữ phải chăm lo cho gia đình là điều hiển nhiên, chỉ khi nào con bận quá không rảnh tay nổi thì mới giúp con làm việc nhà.


Lập gia đình không chỉ là gả cho một người chồng mà còn là gả cho cả một gia đình. Sinh con không phải để nối dõi tông đường cho nhà chồng mà còn là kết tinh của tình yêu. Trang điểm không phải để lấy lòng ai đó mà là để chính mình vui vẻ.
Đồ trang điểm là do con tự mua, nếu có lãng phí thì cũng là do năng lực của con cho phép, mẹ thấy con chẳng sai gì cả.
Cuối cùng, chăm lo cho gia đình là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hai người, là việc mà đôi bên đều phải làm. Nếu cậu ấy thương con vì mất sức khi sinh em bé, chắc chắn cậu ấy sẽ chủ động đỡ đần cho con nhiều hơn, chứ không phải chờ con bận quá không rảnh tay rồi mới phụ giúp cho con.

Cậu ấy là cục vàng cục bạc của cha mẹ cậu ấy thì con cũng là cành vàng lá ngọc của cha mẹ. Con thấy có đúng không?
Bé con ngốc nghếch, con chỉ biết vị ngọt của tình yêu nhưng lại không biết rằng hôn nhân là một “nấm mồ”. Tình yêu chỉ cần đôi lứa yêu nhau, còn hôn nhân lại cần quan điểm hòa hợp.

3. Tiền đồ “nghèo”
Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy con không được nói nhiều làm ít, không được khinh người, con người có ngã xuống thì mới có đứng lên và đi tiếp.
Nhưng lúc này đây, cha mẹ thực sự ghét cái “nghèo” của cậu ấy, không phải vì cha mẹ khinh người.
Nhà cậu ấy không giàu, không sao cả, lý tưởng của đàn ông không được đánh giá qua của cải trong gia đình.

Công việc của cậu ấy chưa khởi sắc, không sao cả, không nhiều người thành công khi tuổi đời còn trẻ, cái gì cũng cần có thời gian.
Nhưng mà, không sợ cậu ấy tài hèn học ít, chỉ sợ cậu ấy nghèo mọn ý chí.
Trong hôn nhân, đáng sợ nhất không phải là đói nghèo mà là không có hy vọng.

Con có nhớ khi con còn nhỏ không? Hồi đó cha con rất nghèo, mùa hè không mua nổi dưa hấu, mùa đông không mua nổi áo lạnh, nhưng cha con cố gắng làm việc, học hỏi người lành nghề, tích cực tham gia các hoạt động trong nhà máy, mỗi tháng phát lương là đưa hết cho mẹ, không dám mua thứ gì cho mình, chỉ mong hai mẹ con chúng ta sống thoải mái hơn một chút.

Quãng thời gian đó rất cực khổ nhưng cũng rất ấm áp, bởi vì mẹ nhìn thấy hy vọng, nhìn thấy một tương lai tốt đẹp hơn.
Mẹ biết cha con đang nỗ lực nên mẹ cũng càng cố gắng hơn. Trong thời gian làm công ở xưởng may, mẹ luôn là nhân viên xuất sắc. Cha mẹ động viên cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Về nhà, mẹ nấu cơm, cha con rửa chén, mỗi lần mẹ làm việc nhà, cha con sẽ giành làm để mẹ có thời gian chơi cùng con.
Bây giờ, tuy đã có chút thành tựu nhưng cha con vẫn thường nói với mẹ: “Trước kia đã để em chịu khổ nhiều rồi.”

Mẹ rất may mắn khi đã gặp được một người đàn ông có ý chí, có tiền đồ, và có lòng biết ơn.
Đàn ông, thời trẻ có thể nghèo nhưng không thể không có tiềm lực, không thể không cho người thân hy vọng.
Các con ở bên nhau, mẹ không lo con phải chịu khổ cùng cậu ấy một thời gian, cái mà mẹ sợ là con phải chịu khổ cả đời.


Nghèo gì cũng được nhưng không thể nghèo ý chí.
Cha mẹ không phải không cho con ở bên cậu ấy mà là cậu ấy phải thay đổi, còn cậu ấy phải thay đổi thế nào, là người từng trải, cha mẹ sẽ cho con biết.

Cậu ấy phải làm được ít nhất bốn điều sau mới có thể cướp con khỏi vòng tay của cha mẹ:
- Một là không được lười. Cố gắng làm việc, không được phạm pháp, có thể than vãn nhưng phải tiết chế, có thể đi chơi nhưng không thể bỏ bê công việc.
- Hai là có kế hoạch với tương lai. Không phải lo xa mà là có hoạch định rõ ràng. Cậu ấy theo chủ nghĩa đàn ông nhưng lại không thể đảm đương trách nhiệm của đàn ông, như vậy là không được.
- Ba là thay đổi quan niệm về sinh con và nhiệm vụ của vợ. Con sinh con trai hay con gái thì họ đều phải yêu thương, như vậy gia đình mới êm ấm. Cậu ấy không phải giúp con làm việc nhà mà là vì mái nhà, cậu ấy tình nguyện trả giá chứ không phải là bị ép buộc.
- Bốn là luôn nhớ rằng cậu ấy đã trưởng thành, và con phải có tiền riêng. Tiền của cha mẹ đều để lại hết cho con nhưng mẹ mong số tiền đó chỉ là hoa dệt trên gấm chứ không phải là than đưa ngày tuyết.

Bởi vì cậu ấy nghèo ý chí, chút tiền mọn của cha mẹ sẽ không cứu được con. Con có muốn tĩnh tâm suy nghĩ lại không?”

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Tình mẹ

(st)

Một hôm, cô gái và bà mẹ cãi nhau. Sau đó, cô bỏ nhà ra đi.

Cô ta chạy rất lâu. Thấy phía trước có tiệm mì, lúc đó, cô mới cảm thấy đói bụng. Nhưng khi cô sờ vào túi, thì một xu cũng không có.
Bà chủ tiệm mì là người tốt bụng, tinh tế. Thấy cô gái đứng đó liền hỏi: “Có phải con muốn ăn mì”.
Cô gái trả lời một cách ngại ngùng: “Nhưng con không mang theo tiền”.
“Không sao, bà có thể mời con ăn”.


Bà chủ mang đến một tô mì nóng hổi. Cô ta rất cảm kích, mới ăn được một ít, thì nước mắt đã chảy ra, rơi xuống tô mì.
Bà chủ an ủi: “Con làm sao vậy?”.

Cô gái vừa lau nước mắt vừa nói: “Con không sao cả, con chỉ cảm kích. Con và bà không hề quen biết nhau, vậy mà bà đối xử với con thật tốt, còn nấu mì cho con ăn nữa. Nhưng con đã cãi lời mẹ và bà đã đuổi con ra khỏi nhà. Bà còn bảo con đừng quay trở lại nữa”.

Bà chủ nghe xong, rồi bình tĩnh nói; “Sao con lại nghĩ như vậy? Con nghĩ thử xem, bà chỉ nấu cho con ăn một bữa, mà con lại cảm kích. Vậy mẹ con đã nấu mười mấy năm cơm gạo cho con ăn, sao con không cảm ơn mẹ mà còn cãi nhau với mẹ”.
Nghe xong cô gái lặng người.

Cô ăn hết tô mì một cách vội vã, rồi lập tức chạy vế nhà. Khi về đến nhà, thì thấy mẹ đang đứng trước cửa đợi. Vừa thấy cô người mẹ rất vui mừng: “Mau vào nhà, cơm mẹ đã nấu xong rồi, thức ăn nguội hết rồi”.
Lúc đó, nước mắt của cô gái lại chảy!

Có khi chỉ nhận được một chút ân huệ của người khác chúng ta lại cảm thấy rất cảm kích và biết ơn. Nhưng đối với ân tình của người thân, thì chúng ta lại làm lơ như không hề thấy.

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

BÓNG BÀN - CÁC CÚ CHẶN BÓNG NHANH VÀ BIẾN HÓA

(st)


Bạn nên chặn các cú giật khi nó vừa nảy lên. Nếu bạn chặn nó muộn, bạn phải khống chế một vùng rộng hơn (thường sẽ có ít thời gian để phản ứng, tùy thuộc vào tốc độ của cú giật), cũng như phải phán đoán cú nảy nhanh và thấp từ bàn. Thậm chí quan trọng hơn, là việc chặn nhanh cú nảy sẽ cho phép bạn vừa khiến đối thủ phải vội vàng, vừa có góc rộng để dồn ép đối thủ. Nếu bạn chạm bóng muộn, đối thủ của bạn có thời gian để phản ứng với cú đánh của bạn, và cú chặn mất đi hiệu quả của nó.

Vậy làm thế nào để bạn có thể biến hóa cú chặn của bạn để làm rối một đối thủ? Đây là những điều tóm tắt.

Độ chắc chắn:
sự chắc chắn tuyệt đối, kết hợp với độ nhanh, sẽ áp chế được đối thủ. Nếu bạn kết hợp độ chắc chắn với ít nhất một sự biến hóa khác, chẳng hạn như điểm rơi hoặc thay đổi tốc độ, cú chặn của bạn thậm chí còn hiệu quả hơn.



Ba điểm rơi:
Các cú chặn của bạn luôn nên hướng đến 1 trong 3 điểm rơi chủ yếu: xa bên thuận tay, xa bên trái tay, và ở giữa. Bằng cách chặn nhanh khi bóng mới nảy lên, đối thủ của bạn sẽ có ít thời gian để phản ứng trước các đường bóng này, và tất cả chúng đều buộc anh ta phải ra khỏi vị trí của mình.

Nghi binh điểm rơi:
Bạn có thể nhắm về một hướng, và tại tích tắc cuối cùng thì thay đổi hướng đánh. Ví dụ, giả sử bạn nhằm cú chặn trái tay của bạn đến phía xa trái tay của đối phương (đối với những người thuận tay phải). Vào giây cuối cùng, chỉ cần đưa cổ tay của bạn ra sau và chặn dọc biên về phía thuận tay (của anh ta). Nghi binh điểm rơi có lẽ là chiến thuật ít được sử dụng nhất trong cú chặn bóng ở trình độ trung bình – rất thường xuyên là những người này để lộ vị trí mà họ sẽ chặn bóng đến trong cú đánh.

Điểm rơi chiến thuật:
Đôi khi bạn cần phải nhồi bóng liên tục vào bên yếu của đối thủ. Hoặc có thể bạn cần phải đưa bóng liên lục vào giữa người đối phương. Với những người khác, bạn có thể cần phải đưa bóng nhanh về bên mạnh của họ để thu hút đối thủ phải ra khỏi vị trí của anh ta, và sau đó đưa bóng trở lại bên yếu, buộc họ phải di chuyển và đánh những cú đánh yếu.

Tốc độ:
Các cú chặn không nên tất cả đều là thụ động. Một cú chặn thọc tới là một cú chặn tích cực, và nếu điểm rơi tốt - xem 3 vị trí nêu trên – là đặc biệt hiệu quả. Đặc biệt bạn có thể chặn thọc tới đối phó với một cú giật mà nó rơi ngắn (gần lưới – ND). Những cú giật chậm, xoáy mà rơi gần lưới rất dễ bị trượt nếu bạn tiếp xúc nó muộn, nhưng nếu bạn chạm chúng một cách dứt khoát khi vừa nảy lên, chúng rất dễ để chặn thọc tới hoặc thậm chí là một cú đập. Để đập chúng, cần rút ngắn cú xoay lấy đà của bạn.

Chặn hãm bóng:
Đây là cách tuyệt vời để thay đổi nhịp độ và làm đối thủ mất nhịp, và đặc biệt có hiệu quả khi kết hợp với một cú chặn thọc tới, hoặc khi đối phó một đối thủ có xu hướng lùi ra xa bàn. Chỉ cần cầm vợt lỏng lẻo và để bóng bật ra từ từ.


Chặn kiểu cắt bóng:
Nếu bạn cắt xuống quả bóng vào thời điểm tiếp xúc, bạn có thể chặn chết quả bóng với xoáy xuống. Động tác này dễ thực hiện bên phía trái tay.

Chặn xoáy ngang:
Ngay khi tiếp xúc bóng, di chuyển vợt sang một bên để tạo ra xoáy ngang. Bạn có thể làm điều này theo 1 trong 2 hướng. Đây là một cách khác để chặn hãm bóng. Cú chặn kiểu này dễ thực hiện bên trái tay.

Chặn xoáy lên:
Bạn có thể tạo xoáy cho bóng ngay khi nó vừa nảy lên, cả bên trái tay hoặc bên thuận tay, nó có phần gần giống với một cú giật mini. (Một số người gọi đó là “nụ hôn xoáy lên”). Ở đẳng cấp thế giới đây là kiểu chặn bóng phổ biến nhất.

Sử dụng cú chặn bóng để thiết lập 1 cuộc tấn công:
Việc chặn bóng tự bản thân nó chỉ giúp bạn một chừng mực nhất định. Nếu bạn muốn sử dụng cú chặn của bạn để làm rối đối phương đến mức bạn có thể tấn công, thì bạn thậm chí phải đặt áp lực nhiều hơn lên đối thủ. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy đối thủ của bạn đã gặp khó khăn với cú chặn của bạn, thì phải chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành 1 cuộc tấn công.
Nhiều hoặc hầu hết những cách thức nói trên có thể sẽ rất khó khăn để thực hiện lúc ban đầu, nhưng đó là bởi vì bạn đã không thực hiện chúng. Hãy xác định những biến thể nào ở trên là phù hợp nhất với trò chơi của bạn. Sau đó tìm thời gian để thực hành chúng trong các buổi tập, áp dụng chúng trong các trận đấu tập, và chúng sẽ sớm trở thành bản năng tự nhiên thứ hai của bạn.

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

4 nguồn thu nhập quyết định bạn giàu hay nghèo

(st)

Nếu bạn đang đi làm cho một công ty nào đó, và thu nhập đến từ một nguồn duy nhất, bạn đang ở mức thấp nhất trong bảng giàu có.
Một người lao động thường có thu nhập đến từ 4 nguồn cơ bản sau. Nó sẽ quyết định việc bạn là trung lưu, bình dân hay thực sự giàu có.

Trong tác phẩm nổi tiếng Cha Giàu Cha Nghèo, Robert Kiyosaki đã tóm lược 4 nguồn thu này thành "Cashflow Quadrant" - biểu đồ 4 nguồn thu nhập.
4 nguồn thu nhập quyết định bạn giàu hay nghèo
Chiều mũi tên đỏ thể hiện mức độ ngày càng giàu có.  

Bạn có thể có mặt trong cả 4 phần này, nhưng hầu hết mọi người thì không. Mục tiêu để trở nên giàu có là đi theo đường mũi tên đỏ, và nghiêng nhiều hơn sang bên phải của sơ đồ. 
Nửa bên trái của sơ đồ (những người làm thuê và tự làm) là một dạng thu nhập chủ động. Bạn phải bán thời gian, công sức của mình để có tiền. Để có tiền, bạn nhất định phải thực hiện một việc gì đó. Mỗi ngày của bạn đều bắt đầu từ con số không. 
Nửa bên phải của sơ đồ là dạng thu nhập thụ động. Bạn không phải xuất hiện mới sản sinh ra thu nhập. Những thứ như bất động sản, cổ phiếu là các nguồn thu thụ động. Bạn thực ra đang kiếm ra tiền ngay cả khi đang ngủ. 

Phân tích sơ đồ Cashflow
Làm thuê - bạn có một công việc
Hầu hết mọi người đang sống trong vùng này. Đó có thể là giáo viên, thư ký, kỹ sư, phi công, y tá, bác sĩ, luật sư hay cả CEO của một công ty. 
Bạn sẽ luôn nhận ra ai là người làm thuê, căn cứ trên giá trị cốt lõi và các từ mà họ dùng. "Tôi đang tìm một công việc an toàn, đảm bảo, có lương tốt". Giá trị cốt lõi của người làm thuê là Sự đảm bảo. 
Khi làm thuê, bạn phải trả thuế rất nhiều, và bán thời gian của mình để có tiền. Nếu muốn có nhiều tiền hơn, bạn phải làm việc nhiều giờ hơn. Một lựa chọn khác là chuyển việc để có lương cao hơn. Ở trạng thái này, bạn không hề có thu nhập thụ động. Nếu bạn dừng làm việc, bạn sẽ không có chút tiền nào.

Tự làm
Đại lý bất động sản, các đại lý bảo hiểm, bác sĩ, luật sư, nhà tư vấn tự do, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế có studio riêng, những người kinh doanh nhỏ thuộc về nhóm này.
Đây là bước cao hơn việc đi làm thuê, nhưng thực sự bạn vẫn đang bán thời gian của mình. Trong hầu hết trường hợp, bạn thậm chí phải bỏ ra nhiều giờ làm việc hơn khi đi làm thuê, và không được trả lương vào kỳ nghỉ. Khi bạn ngừng làm việc, thu nhập sẽ giảm hoặc ngừng lại. 
Người tự làm thường dễ nhận ra bởi châm ngôn này: "Nếu bạn muốn làm đúng, hãy tự mình làm". 
Hầu hết các Ông chủ lớn xuất phát từ một người Tự làm. Khi người Tự làm đưa hoạt động của mình thành hệ thống và tạo nhóm làm việc, họ có cơ hội tăng trưởng thành một Ông chủ lớn. 
Lợi ích của việc tự làm là bạn có được tự do tài chính và cá nhân nhiều hơn so với khi đi làm thuê.

Ông chủ
Một người được xem là ông chủ khi có 500 nhân viên trở lên. Các ông chủ thường không muốn tự mình vận hành công ty. Họ muốn có một nhóm nhân viên giỏi làm việc hộ mình, và việc kinh doanh sẽ tiếp tục sinh tiền ngay cả khi họ ngủ hoặc đi nghỉ. 
Ông chủ không cần bán thời gian của mình để kiếm tiền, mà bán một sản phẩm hoặc dịch vụ. 
Bạn sẽ nhận ra ai là ông chủ dựa trên cách nói chuyện của họ: "Hãy lập một Hệ thống và đặt các Nhóm tốt nhất vào vị trí" - Hệ thống và Nhóm là hai yếu tố quyết định chuyển hóa một người Tự làm thành một Ông chủ. 
Ở vị trí này, bạn có thể làm việc vất vả trong vài năm đầu, và khi Hệ thống và Nhóm đã vận hành ổn, bạn có thể lĩnh thu nhập thụ động suốt phần đời còn lại. 

Nhà đầu tư
Đây mới là khi bạn thực sự có thu nhập thụ động. Các loại hình đầu tư như cổ phiếu, bất động sản sản sinh ra dòng chảy thu nhập hàng năm. Đó là các khoản đầu tư cho phép bạn về hưu sớm. Nó cũng có thể là thương hiệu, bản quyền, các đặc quyền. Những thứ bạn gây dựng thường mang lại tiền trong thời gian dài (5-10 năm hoặc hơn). 
Đây là những người mà đồng tiền đang làm việc cật lực cho họ. Tài sản của họ có thể tự sinh ra dòng tiền bất kể họ có mặt ở đó hay không. 

Trong khi hai nhóm Làm thuê và Tự làm đề cao Sự đảm bảo, thì nửa bên phải của biểu đồ (Ông chủ và Nhà đầu tư) đề cao Sự tự do - họ không muốn có việc làm nữa, và không muốn phải làm việc suốt đời. 

Hầu hết mọi người bán thời gian cả đời của mình chỉ để chu cấp đủ cho bản thân và gia đình, và bỏ lỡ hầu hết mọi thứ quan trọng khác - như thời gian bên người thân, các mối quan hệ bạn bè, đi ngắm thế giới, hay những điều bạn muốn làm... 

Vì thế, nếu bạn muốn có nhiều Tự do và Giàu có trong đời, hãy học cách để tự tạo một việc kinh doanh, học cách đầu tư phù hợp để nhanh chóng chuyển sang bên phải của biểu đồ Cashflow.

Tuy vậy, bạn cần nhớ rằng:
Không phải cứ kinh doanh là bạn sẽ thành công
80% cơ sở khởi nghiệp không vượt qua được lần sinh nhật thứ 5. Và trong số nhiều người thành công, rất nhiều Ông chủ đã mất tiền trong quá trình chuyển sang trạng thái Nhà đầu tư.
Sự tự do tài chính đòi hỏi bạn phải có trí tuệ về việc này. Bạn cần sẵn sàng để chuyển đổi từ một công việc an toàn sang hành trình hướng tới tự do tài chính.

Các ông chủ và nhà đầu tư thành công là những người hiếu kỳ bẩm sinh, không ngừng tham gia các khóa học, hội thảo, đọc sách để nâng cao kiến thức của mình. Con đường ấy không dành cho bạn, nếu bạn muốn một cuộc đời bình thường, an toàn.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Nghe lời khuyên

(Tony buổi sáng)
Cà phê sáng mùng 5.
Hàn Quốc ăn tết 3 ngày, 30-mùng 1 và mùng 2, chính thức đi làm 2 ngày roài, còn mình còn mùng còn "ăn" nên nay đi cà phê tiếp nhen. Nghỉ dài đã quá đã.
Các bạn đọc bài báo này nhé Link, đọc đi đọc lại 2 - 3 lần, sẽ hiểu và nghiệm ra nhiều lời giải cho bài toán cuộc sống cá nhân mình.

1. Bạn trẻ đọc để chọn bạn. Nếu một người sinh ra trong một gia đình quá chiều chuộng, thì có mầm mống của sự vô ơn và ích kỷ. Lưu ý chỉ là từ "mầm mống". Có lên được thành "cây cái tôi to đùng" hay bị triệt tiêu mất là do bản lĩnh, ý chí và sự tiếp nhận những bài học từ xã hội.

2. Ai cũng phải tôn trọng sự tự do của 1 người cá thể khác. Con cái, vợ chồng, bồ bịch, gia tộc,...cũng chỉ là những quan hệ người-người, không ai sở hữu ai. Con cái chưa bao giờ là tài sản của cha mẹ như quan niệm Á Đông xưa nay. Họ là một thế giới riêng, cần được tôn trọng. Tình thân vĩ đại nhất là biết buông tay đúng lúc. Tình yêu chân chính kỳ thực lại là bớt yêu và kiểm soát đời nhau.
 
3. Đã trên 18 tuổi rồi thì phải tự chủ nhất là tự chủ tài chính và có nhân sinh quan, thế giới quan riêng, khách quan trong mọi thứ, tự chơi tự làm tự chịu tự trả giá, hình thành tố chất tự quyết.
Việc nghe lời khuyên từ người khác (kể cả cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đàn anh đàn chị, sếp...) là rất nguy hiểm vì nếu người khuyên là 1 người không thông minh, hoặc ít đọc sách, ít đi lại, ít trải nghiệm, ít lăn lê bò trườn và chưa bị xã hội vả vào mặt, chưa có thành tựu gì, hoặc họ có tư duy tiêu cực thì coi như đời mình xong phim. Họ khuyên sai, tư vấn sai thì sao? Mình nghe theo là mất đi cơ hội của cuộc đời mình, chỉ bản thân mình mới biết mình có gì, cần gì, làm thế nào.


Nhân loại đông, cơ hội thì ít, nên cơ hội mới là cái khó tìm nhất trần gian. Sẽ chẳng bao giờ có 2 cơ hội giống nhau, chỉ nên dùng mọi kiến thức, trực giác và cả sự may mắn của mình để quyết định khi có ngã ba đường.

Nếu có nghe lời tư vấn hay khuyên, thì chỉ nghe người có thành tựu trong lĩnh vực đó nói. Họ tư duy đúng mới có thành tựu trong lĩnh vực đó, mình muốn giống vậy thì mình nghe theo, làm theo cái quan điểm riêng của họ. Jack Ma nói về làm giàu trên mạng, Lý Quang Diệu nói về quản lý, George Soros nói về đầu tư, cha mẹ mình có cuộc sống hôn nhân viên mãn thì mình mới nghe quan điểm của họ về đề tài hôn nhân, cha mẹ mình không có cơ nghiệp gì thì nghe lời về nghề nghiệp, sẽ giống họ mất.
Đi học ĐH quản trị kinh doanh, mà thầy giáo dạy kinh doanh nói nên làm cái này, không nên làm cái kia mới kiếm được tiền, trong khi ổng nghèo kiết xác, chưa có doanh nghiệp và thương hiệu nào nổi tiếng, thì liệu quan điểm của ông ấy có đúng không. Bạn biết.

Không nghe người không có thành tựu, họ tư duy sai mới không có gì cả. Mà nhóm người này, thì dồi dào lời khuyên lắm. Vì rảnh quá rảnh.:D

Thị trường & Cảm tính

(Tony Buổi Sáng)
Tháng chạp & hoa Tết🌹

Cứ năm nào cũng vậy, có một số người đợi ngày cuối cùng của tháng chạp mới đi mua hoa, hòng mua với giá rẻ nhất, do áp lực về thời gian của tiểu thương. Và các tiểu thương đã quyết định đập bỏ, dọn lên xe rác chở đi thay vì cho, giảm giá như mọi năm. Điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội đang điều chỉnh hành vi từng ngày để sống văn minh hơn.

Có thể bạn thấy rất là chua chát, nhưng quyết định tiêu huỷ hàng hoá là quyết định bình thường của thương nhân. Hàng sở hữu của họ, họ bán hay trữ, bán đắt bán rẻ giá cả bao nhiêu hay tiêu huỷ hàng hoá là quyền của họ, luật pháp không cấm. Đừng bao giờ ngây ngô yêu cầu người ta thay đổi giá cả, sao không bán rẻ từ đầu rồi giờ đổ bỏ.


Chúng ta từng khóc thương nông dân trồng hoa. Nhưng họ thật ra chẳng có gì tội nghiệp vì các thương lái đã trả tiền xong cho họ từ dưới ruộng. Thương lái cũng chẳng tội nghiệp gì vì họ đã lãi những ngày đầu khi bán những chậu hoa đẹp cho người giàu. Người nghèo lúc này nghe giá sẽ dội ngược, bảo là hét trên trời, giận. Nhưng giá đó có người mua, cung gặp cầu. Người giàu, thay vì tốn thời gian đi tận nơi để lựa chậu vừa ý, giờ có người mang lên tận nơi, vận chuyển sỉ nên giá còn rẻ hơn, thuận mua vừa bán, phân khúc hạng sang, người có tiền, kẻ có hàng ngon nên việc bán hàng diễn ra nhanh chóng, vui vẻ. Mọi thứ vận hành trơn tru. Hoa, tranh, nhạc....là những sản phẩm tinh thần, không phải là thiết yếu, người cần thì đã sẵn sàng trích một phần thu nhập để mua rồi. Không được cho tặng miễn phí những sản phẩm văn hoá, vì người nhận miễn phí sẽ khó mà trân trọng. Khi nhu cầu đã hết, người bán nên chở hàng về kho hoặc đổ bỏ. Công ty vệ sinh đã ký hợp đồng dọn dẹp, ngay cả bỏ hết đống hoa đó, họ đã thu tiền và sẽ dọn sạch, không than phiền gì. Mọi thứ nó đã vào guồng, không như mình nghĩ.

Buffet trong các khách sạn 5 sao, toàn tôm hùm, hàu, cá hồi...đến tối, dù còn nguyên nhưng họ cũng đổ bỏ hết, không cho nhân viên vì sẽ tạo thành tâm lý phục vụ không tốt hòng mang về. Cũng không đem cho người nghèo, cơ nhỡ....vì làm ăn, không tốn thời gian phân bổ nhân sự làm việc này, chưa kể là sẽ tạo đám người chầu chực bên ngoài, hay thậm chí nhà nghèo, ăn mấy món sang rồi đau bụng, kiện thưa rồi mình đi giải quyết cũng mệt. Làm chủ phải có tư duy khác. Hàng của họ, tiền của họ, khi đổ bỏ họ còn xót xa hơn cả mình tiếc. Nhưng bỏ là phải bỏ.

Dân làm ăn không có mở miệng là tội nghiệp, thương thế. Mình cứ cảm tính, cảm xúc trong kinh tế thì hậu quả kinh khủng. “Đừng bao giờ giao cơ nghiệp vô tay người cảm tính”, người Do Thái hay người Hoa luôn dặn nhau như vậy khi lựa chọn người quản lý cấp cao.

Khách sạn có phòng có 100 ngàn/đêm nhưng cũng có phòng 100 triệu/đêm, tuỳ họ, có vi phạm pháp luật đâu mà chửi? Xấu đẹp, ngu khôn, hợp lý hay không hợp lý...là do mình nghĩ. Họ bán giá vậy đó, công suất phòng chỉ có vài % thôi, nhưng họ không giảm giá, chuyện của người ta. Tour du lịch họ ra giá vậy, mình chửi bán "mắc quá chó nó đi", nhưng đó là mình nghĩ, người ta vẫn có khách riêng của người ta, "chó" mà mình nghĩ đó họ có tiền đi chơi, còn mình là "người" mà không có. Khách sạn ở Đà Lạt ngày thường 200k/đêm, lễ tết lên 1 triệu/đêm thì cũng bình thường, chẳng có gì chặt chém cả. KS chỉ có 10 phòng mà 100 người cần, thì giá phải tăng tương ứng cho 10 người chấp nhận mức giá cao nhất, nếu không có ai chấp nhận, tự động giá sẽ giảm. Hiệp hội du lịch vui lòng đừng xuống yêu cầu khách sạn cam kết không tăng giá....mà quên là quy luật thị trường. Lúc ế, hiệp hội có tới bù cho người ta không? Hãy để thị trường tự do điều tiết. Cứ nói hãy bán giá sao cho vừa túi tiền. Vấn đề là túi của ai? Mình chỉ có thể biết túi của mình thôi, còn của người khác, sao biết mà suy diễn suy đoán rồi kết luận?

Mấy cái túi hàng hiệu ở các trung tâm thương mại có giá mấy chục triệu/cái, mình thấy vắng hoe, ái ngại cảm thông. Họ kinh doanh, được nhờ mất chịu. Họ lỗ, chịu hết nổi sẽ trả mặt bằng. Dân mình đi qua, nói sao không hạ giá xuống 50 ngàn/cái để bán cho dễ, chứ thấy ế tội quá em ơi. Họ treo đó là tính vô chi phí marketing, cho đám đông nhìn thấy thương hiệu, còn rẻ hơn quảng cáo trên tivi. Đám đông sao biết được chuyện đó, nên đứng coi, phán xét và khuyên răn khí thế. Với nhà buôn lớn, họ không bao giờ hạ giá vào giờ chót vì như vậy sẽ khiến cho những người mua trước thấy tiếc nuối, trách móc và có khi lại chờ giảm giá năm sau. Mà đối tượng đó mới là khách hàng thật sự, phải bảo vệ họ. Louis Vuitton (LV) hay Hermes là thương hiệu thời trang không bao giờ sale off, qua mùa lỗi mốt là huỷ.


Đừng bao giờ dạy người giàu tiêu tiền, quản lý tài chính (họ làm ra tiền, dư được tiền tức việc quản lý tài chính của họ đã rất khoa học, hiệu quả), cũng đừng bao giờ kêu gọi các người bán điều chỉnh giá. Rất ngây thơ, cảm tính và buồn cười.
Khủng hoảng thừa 1929-1933, hàng hoá các công ty họ đổ hết xuống biển chứ không có tặng cho ai, dù nhiều nước đang trong nạn đói. Quy luật kinh tế thị trường nó vậy, không thể lấy cảm xúc, tình cảm, hiểu biết nhỏ nhoi của mình ra phán xét được.

Thị trường nó lạnh lùng sòng phẳng. Nếu ai lỗ, thì là bài học cho họ năm sau. Kể cả nông dân. Thời đại này thông tin rộng khắp. Tính toán sai, cung vượt cầu thì giá rẻ, đồ đống. Ngược lại. Cầu cao thì giá phải hét trên trời. Có sao. Không có thương, tội, hay ghét gì ở đây hết.

Nếu ai có đầu óc khách quan, hiểu quy luật thị trường mới kiếm tiền được. Những bạn cảm tính khó có thể làm ăn hoặc trở thành quản lý cấp cao vì không rạch ròi các quan hệ, nuông các cảm xúc, không tôn trọng khách quan vì nghe theo con tim nhiều quá. Lúc yêu thì thôi là yêu, ghét thì thôi là ghét. Cứ trong đầu ai mà còn cảm xúc ưa rồi không ưa, thích rồi ghét....thì không thể làm ăn được.

Đừng bao giờ kêu gọi ủng hộ công ty nào vì thương, mua hàng là vì nhu cầu, còn vì ủng hộ thì không lâu dài được. Cũng đừng kêu gọi tẩy chay hãng nào đó vì ghét. Lần trước có 1 hãng hàng không, vì "tội" đưa các người mẫu lên đón các cầu thủ U23 yêu thích, mà người mẫu đó do đám đông mặc định là không đẹp, nên không được "xứng" để đụng vào cơ thể thần tượng của họ, thế là nổi cơn cuồng nộ. FB khắp nơi nói sẽ tẩy chay, thề là không bao giờ đi hãng này nữa, trong đó có người bạn thân của ad. Sau đó 1 tháng, mình thấy cậu ấy vẫn ngồi cả đêm search vé giá rẻ, và khi giá vé hãng đó thấp hơn các hãng kia 100,000 đồng, cậu đã quên mất lời thề thốt khi xưa, vui vẻ book vé và vẫn bay như thường, post hình lên FB khoe mua được giá rẻ.

Đám đông thường có cảm xúc lên xuống thất thường, ầm ầm lên cơn thịnh nộ rồi quên béng, các nhà kinh tế học đã có tổng kết về việc này. Mình làm quản trị, đừng có lo lắng thái quá. Thời gian sẽ trôi đi, trôi đi...