Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời

(Giản Tư Trung)

Trong vô vàn lựa chọn mà đời người phải trải qua, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng. Nhưng, trước những lựa chọn quan trọng nhất, việc đưa ra quyết định sáng suốt sẽ cho chúng ta một cuộc đời “thăng hoa” như mong muốn và ngược lại. Đối với những người trẻ, điều này lại càng có ý nghĩa hơn bởi họ có cả một tương lai phía trước đang chờ đợi, mà việc đưa ra những lựa chọn đúng được sớm chừng nào lại khiến tương lai ấy rõ ràng hơn chừng đó.

1. Chọn LẼ để SỐNG
Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng, chuẩn hành xử của của chính mình. Xác định lẽ sống chính là trả lời câu hỏi: “Mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không?”.
Xác định lẽ sống cũng chính là việc chọn cho mình lý do để sống (rốt cuộc ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở đâu) – được coi là “đích đến”, “bánh lái”, hay sẽ là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” trong cuộc đời chúng ta. Đây là lựa chọn quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới tất cả những lựa chọn còn lại. Không phải ai cũng chọn được đúng “đích đến” và “bánh lái” cho mình và hậu quả là cuộc đời của họ nhiều khi sẽ rất uổng phí hoặc vô cùng bi kịch. Con người sinh ra vốn dĩ là lương thiện, nhưng chọn lẽ sống khác nhau thì sẽ có những con người khác nhau, cuộc đời khác nhauvà số phận khác nhau.

2. Chọn NGƯỜI để LẤY
Phải bắt đầu lựa chọn này từ việc mình muốn có một gia đình như thế nào. Tình yêu là một phạm trù hoàn toàn mang tính cảm xúc nhưng hôn nhân lại có cả yếu tố lý trí. Lấy vợ, lấy chồng thì có lẽ ai cũng làm được (chỉ trừ những người không thèm lấy hoặc không tìm được người phù hợp). Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm cho mình được một người vợ, người chồng, và đồng thời cũng là một người bạn đời!
Người ta hay nói là trong tất cả các kiểu bạn (bạn xã giao, bạn tâm giao, bạn tư giao, bạn tri kỷ…) thì chọn bạn đời là khó nhất. Khi chọn bạn đời, điều kiện cần là tình yêu thương nhưng quan trọng hơn là cả hai phải chia sẻ được lẽ sống và hệ giá trị suốt cả cuộc đời. Có thể khi cưới nhau, vợ chồng chưa thực sự là bạn đời, chưa xác định rõ lẽ sống, chưa có chung một hệ giá trị nhưng họ sẽ cùng thay đổi nhau và thay đổi chính mình để không chỉ là người chồng, người vợ của nhau, mà còn là người bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời. Được như vậy, cuộc đời sẽ thăng hoa!
3. Chọn VIỆC để LÀM
Thực tế cho thấy đang có xu hướng chọn nghề và đổi nghề theo “mốt”. Nghề nào được gắn mác “thời thượng” là giới trẻ đổ xô vào tìm “vận may”. Thậm chí khi đã thành công với một nghề nào đó thì phần đông lại cùng tìm đến một nghề, đó là nghề chính trị. Thực ra, xã hội có nhiều đỉnh chứ không chỉ có một đỉnh là quyền lực: Trở thành một chính trị gia tài ba là một đỉnh; trở thành một nhạc sĩ lớn cũng là một đỉnh; trở thành một bác sĩ giỏi cũng là một đỉnh, trở thành một kiến trúc sư danh tiếng cũng là một đỉnh… Thực ra, làm một bác sĩ giỏi vẫn tốt hơn là làm một viện trưởng tồi, làm một giáo sư giỏi thì quan trọng hơn là làm một hiệu trưởng kém.
Thực ra, làm sếp hay làm lính, làm thầy hay làm thợ, làm quan hay làm dân, làm chủ hay làm thuê… đều không quan trọng, mà quan trọng là làm cái gì mà mình giỏi nhất, phù hợp với tính cách của mình nhất và tạo ra giá trị nhiều nhất (cả giá trị tài chính và giá trị xã hội).
Bên cạnh chọn công việc và nghề nghiệp phù hợp để làm,chúng ta cũng cần tìm cho mình một nơi làm phù hợp để gắn bó (công ty, tổ chức nào, ngành nào,lĩnh vực nào, vùng miền nào…). Điều này rất quan trọng vì công việc không chỉ là chỗ để đóng góp, mưu sinh mà còn là nơi để học tập và phát triển. Ngày nay, người ta bị ảnh hưởng bởi chính nơi mình làm việc nhiều hơn là nơi mình học. Cũng đều tốt nghiệp một trường đại học, đều học giỏi như nhau nhưng sau mấy năm ra trường sẽ có 2 cuộc đời khác nhau, 2 tương lai khác nhau mà nguyên nhân là vì đã có 2 lựa chọn về công việc khác nhau.
4. Chọn THẦY để HỌC
Sự học luôn là một trong những “sự nghiệp” quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Dưới đây là 5 “người thầy” gần gũi và hữu ích nhất:
Thầy
Đây là những người thầy bằng xương bằng thịt, trực tiếp khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng ta. Thầy thì có nhiều nhưng không phải ai cũng là người thầy đúng nghĩa, không phải ai cũng có thể dẫn dắt người học làm chủ quá trình học và khám phá thế giới vô tận của tri thức. Vì thế mà việc chọn đúng người để học, để tôn làm thầy có ý nghĩa quan trọng là vậy.
Sách
Sách là một trong những con đường dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất cho sự học của mỗi người. Sách không chỉ là người thầy mà còn là người bạn tri kỷ, luôn tử tế, nhẫn nại, chờ đợi và chịu đựng chúng ta. Học từ sách là học từ những bộ óc vĩ đại nhất của loài người, là việc biến túi khôn của nhân loại vốn đã được đúc kết trong sách thành của mình. Chúng ta có thể đưa những người thầy vĩ đại nhất của thế giới, từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, về tận nhà để dạy cho mình, bất kể thời điểm nào mà chi phí nhiều khi chỉ bằng… tô phở.
Tuy nhiên, không đọc sách thì chắc chắn là không giỏi nhưng đọc sách nhiều cũng chưa chắc tạo ra giá trị. Vấn đề còn nằm ở chỗ chọn sách nào để đọc, đọc như thế nào và học được gì từ sách.
Kinh nghiệm
Trên đời này có những cái mà không trả giá thì không thể học được, nhưng cũng có những cái không cần trả giá cũng có thể học được. Cuộc đời chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những thất bại, vấn đề là sau mỗi thất bại thì cần phải rút ra được những bài học để những thất bại tương tự không còn tái diễn trong tương lai. Có những người cho rằng, nếu muốn không thất bại thì tốt nhất là đừng có làm gì nữa, nhưng nếu vậy thì sẽ có một thất bại cực lớn khác, đó là thất bại cả cuộc đời. Để hạn chế thất bại và trả giá, cần phải học rất nhiều từ 2 “người thầy” đầu tiên (thầy và sách).
Nhân vật
Họ có thể là các bậc thức giả (để chúng ta học tri thức) hoặc những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội (học tinh thần, ý chí). Chính những câu chuyện thành công, thất bại, những trải nghiệm, tư tưởng, tài năng và nhân cách của họ sẽ là bài học quý giá cho mình trên con đường tự khai sáng bản thân mình và những người quanh mình.
Tuy nhiên, phải có năng lực thẩm định, biết mình là ai, biết ai là ai, cái gì là cái gì, nếu không thì sẽ vô cùng nguy hiểm, người đáng khinh thì lại trọng, người đáng trọng lại khinh.
Internet
Được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, làm cho cả nhân loại thay đổi một cách sâu sắc và khác biệt hẳn so với những thời kỳ trước đó, Internet thực sự là công cụ hữu hiệu cho sự học của mỗi người. Thời đại Internet hình thành 2 loại người: “Công dân mạng” và “Sâu mạng”. “Công dân mạng” là những người sử dụng Internet như một công cụ để nâng cao kiến thức của mình, phục vụ cho công việc và cuộc sống. Còn “sâu mạng” là những kẻ phung phí phần lớn thời gian, sức lực của mình vào những trò tiêu khiển trên mạng hoặc phá hoại, có thể có “sâu cuốn lá” (game online), “sâu đục thân” (coi phim sex), “sâu chat” (tán chuyện gẫu); “sâu phá hoại” (hacker mũ đen)… Là “công dân mạng” hay “sâu mạng”, đó cũng là một lựa chọn quan trọng đối với người trẻ trong thời đại này.
5. Chọn BẠN để CHƠI
Nói đến con người là hàm ý tới con người xã hội với nhiều mối quan hệ đan xen, và cũng chính những mối quan hệ đó định hình chân dung một người. Chẳng hạn, phương Tây có câu: Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai. Còn ông bà mình, khi nhận xét về một người hoặc một nhóm người nào đó thì thường nói: “Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” (ngoại trừ một số ít người quá đặc biệt, quá cá tính thì gần mực sẽ không đen, mà gần đèn cũng chẳng sáng).
Trong đời người, ngoài người bạn quan trọng nhất là bạn đời thì cần phải có bạn tâm giao, bạn thâm giao, thậm chí là bạn tri kỷ, chứ không phải chỉ có những người bạn hời hợt, quen biết xã giao, ngoại giao. Họ là những người cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chia sẻ một hệ giá trị và những lý tưởng sống, giá trị sống. Dẫu vậy, họ có thể có những con đường khác nhau trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
Có thể nói bạn bè chính là “tài sản” của mỗi người (“Giàu vì bạn, sang vì vợ”), là nguồn chia sẻ, động viên, hỗ trợ khi cần thiết. Song, như thế không có nghĩa là tận dụng bạn, lợi dụng bạn. Ngược lại, chơi với bạn cần phải xác định là để giúp bạn cùng phát triển và tiến bộ. Một tình bạn nếu được xây đắp trên tinh thần như vậy thì sẽ vô cùng bền vững và tốt đẹp.

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Những việc cần làm trước khi khởi sự một doanh nghiệp

(LyToet)

Lãi suất ngân hàng hạ, vấn đề lại được đặt ra là đầu tư tiền bạc tiết kiệm được vào đâu? Tiếp tục gửi tiết kiệm hay đầu cơ BĐS hay vàng hay đô chờ giá lên kiếm lời. Một trong những giải pháp đầu tư là tự mình đứng ra kinh doanh trên thương trường. Ta thường thấy trên phim ảnh doanh nhân là những người bận rộn, ăn mặc tươm tất, đi khắp nơi trên Trái đất, gặp gỡ với các chính trị gia và các doanh nhân khác để ký kết hợp đồng.

Thông tin trên báo đảng về việc kiếm tiền hấp dẫn càng thêm thôi thúc như là Kiếm chục triệu mỗi ngày nhờ trà chanh, mía đá vỉa hè; hoặc Bán trà đá sắm iphone, mặc hàng hiệu, cưỡi SH; hoặc Buôn trứng vịt, mỗi tháng lãi không dưới 15 triệu.

Dù bán trà đá hay quỹ đầu tư Quantum của tỷ phú Soros cho đến những tổ hợp đa quốc gia như Airbus đều có đặc điểm chung Đó là những doanh nghiệp tức là có sổ sách và hạch toán lời lỗ.

Làm chủ một doanh nghiệp tức là tự ta làm chủ hay ta làm thuê cho chính ta. Ta có thể thoải mái về giờ giấc hoặc phải thức khuya dậy sớm để lo cho sản nghiệp. Để quyết định thành lập một doanh nghiệp cần thẩm định qua 2 bước

bước 1, ý tưởng thành lập doanh nghiệp đã chín chắn hay chưa
bước 2, chuẩn bị vận hành doanh nghiệp đó như thế nào, đó là lập đề án kinh doanh là một trong những công việc mà một ứng viên phải làm để chứng minh năng lực trước hội đồng quản trị cho vị trí giám đốc điều hành (CEO).

Ở bước thứ nhất, chúng ta cần trả lời một số câu hỏi:

1. Tại sao chúng ta muốn làm chủ một doanh nghiệp?
Nếu chỉ đơn thuần tìm một công ăn việc làm thì làm công cho người khác có thể thu nhập ít hơn nhưng chắc chắn ít rủi ro hơn.

2. Có kinh nghiệm gì có liên quan đến ngành nghề mà ta dự định làm?
Nếu chưa thì phải dành thời gian để tích lũy kinh nghiệm về ngành nghề ta dự định làm. Nội dung cần nắm chắc là công nghệ, đặc thù ngành nghề.

3. Ta đã có kỹ năng giao tiếp với khách hàng hay chưa?
Kỹ năng giao tiếp là phẩm chất cần phải có của doanh nhân. Tạo ra một sự tin cậy trong giao tiếp với đối tác là điều kiện cần để có khách hàng.

4. Có hay không sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình?
Nếu người thân phản đối nghĩa là ý tưởng kinh doanh có vấn đề hoặc không tưởng

5. Đã có kinh nghiệm về quản trị tài chính, kế toán không?
Nhiều người than bán hàng không ế, có doanh thu mà sao vẫn lỗ.

6. Có kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực tiếp thị quảng cáo hay không?

Bước thứ hai là đề án vận hành doanh nghiệp:

1. Đối tượng kinh doanh của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào? 
Sản xuất hay thương mại hay dịch vụ.

2. Sản phẩm do doanh nghiệp làm ra là gì?
Có thể là pha chế trà chanh bán cho học trò; có thể là buôn trứng vịt dưới quê bán lên thành phố; có thể mang tiền qua TQ nhập hàng về bỏ sỉ; có thể là dịch vụ giao nhận hàng hóa kho bãi etc

3. Doanh nghiệp của chúng ta tham gia vào thị trường nào? 
Khả năng bành trướng thị trường trong tương lai, dự định chiếm lĩnh bao nhiêu % thị trường. Làm thế nào để chiếm lĩnh một thị phần trong thị trường mà chúng ta đang nhắm đến.

4. Ai sẽ là đối thủ cạnh tranh? Điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta, những mặt nào khiến ta chiếm ưu thế so với đối thủ cạnh tranh. Ta có ưu điểm gì so với đối thủ. Làm sao khắc phục được những nhược điểm của chúng ta.

5. Vốn liếng cần thiết là bao nhiêu, bao giờ bắt đầu có lời. Nếu có lời thì bao nhiêu trong một chu kỳ kinh doanh.

6. Tiêu chuẩn thuê mướn nhân viên, huấn luyện nhân viên như thế nào

7. Trong điều kiện nào thì đóng cửa doanh nghiệp?

Nếu trả lời thông suốt và nắm vững vấn đề thì tiếp tục những thủ tục để thành lập doanh nghiệp. Nếu phát hiện khó khăn, trở ngại thì tạm dừng để điều chỉnh rồi thẩm định lại.

Còn khi đã đưa doanh nghiệp vào họat động mới phát hiện những khó khăn thì vừa mất tiền, mất thời gian và có khi mất hết cả cơ nghiệp.

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Phong thủy khi thiết kế nhà

(st)

Có một số ý sơ sơ như sau:

  • Trung tâm nhà không được đặt WC, bể phốt hoặc đường nước thải.
  • Bể phốt không nằm trên Hướng thông từ cửa chính vào bếp.
  • Bếp cần cách chậu rửa và hộp kỹ thuật một khoảng.
  • Tầng trên bếp không kê đồ vật gì đè lên vị trí đó.
  • Nước máy vào một bên nhà, đường nước thải ra bên kia.
  • Cầu thang thường là ngược chiều kim đồng hồ, nhưng có thể chọn theo bản mệnh của chủ nhà.
  • Phòng thờ không đặt trên đầu nhà vệ sinh.



1. Môi trường xung quanh Khi chọn mua đất làm nhà cần chú ý đến điều kiện xung quanh của nó. Nên tìm hiểu xem nhà có bị ảnh hưởng bởi xung quanh không?, ví dụ như nếu xung quanh quá nhiều nhà cao tầng sẽ gây cảm giác ngột ngạt, bức bối, nơi có quá nhiều tiếng ồn hay tạp âm sẽ khiến ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của mọi người.

2. Hình dạng của phòng
Theo phong thủy, hình dạng của các căn phòng có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe của những thành viên trong gia đình. Nếu phòng trong nhà có hình dạng vuông vắn như hình chữ nhật hay hình vuông, bốn mặt đều đặn và đối xứng nhau sẽ mang lại cho người sống trong nhà cảm giác bình an, khỏe mạnh và ổn định. Nên tránh thiết kế phòng chỉ có ba góc hay có quá nhiều góc sẽ khiến mọi người cảm thấy bất an, dễ cáu gắt.


3. Chú ý đến màu sắc
Màu sắc là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sắc thái tình cảm, tính cách của mỗi người. Đương nhiên mỗi độ tuổi giới tính lại có những màu phù hợp riêng. Tuy vậy, nếu chọn màu quá nổi sẽ gây kích thích ảnh hưởng đến tâm lý. Những màu đỏ hay xanh lá cây thẫm thuộc về tính âm theo phong thủy thì đều không tốt cho sức khỏe.