Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Đàn ông

 (Tony buổi sáng)

Đàn ông đúng nghĩa.
Thượng đế: Con trai, con có cảm thấy mệt không?
Người đàn ông: Con không mệt.
Thượng đế: Thế con có đau không?
- Con không.
Thượng đế: Con có khổ không?
- Không, con không.
Thượng đế: Tại sao??
- Bởi vì con là một người đàn ông, con không có quyền kêu mệt, kêu đau, kêu khổ, kêu chán, kêu buồn. Tất cả phải nén vào trong.
 
Khi thượng đế (tức ông trời, bậc cao nhất theo tín ngưỡng mỗi dân tộc) tạo ra loài người, đầu tiên Ngài tạo ra Adam, và sau đó lấy một chiếc xương sườn của Adam để tạo ra Eva. Ngày trước, cha ông chỉ cần một vài con bò là có thể có "một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Ngày nay hôn nhân chỉ tình yêu là không đủ, mà còn phải kèm theo tiền, cơ nghiệp. Có thể anh ta chịu được ánh mắt lạnh lùng của người khác nhưng anh ta không thể chịu đựng được ánh mắt khinh bỉ của người phụ nữ mình yêu, bởi xương sườn là một phần của cơ thể, khi xương sườn khó chịu thì cơ thể cũng không thoải mái.
 
Khi còn là một đứa trẻ, người đàn ông thường được dạy rằng không được phép rơi lệ, thà chảy máu còn hơn đổ lệ. Cùng bị đối xử bất công, người phụ nữ có thể khóc lóc kể lể với người khác còn đàn ông thì phải nuốt nước mắt vào trong, không được phép đi than thở. Đàn ông phải ít nói, mà nói là phải làm. Chết thôi, đàn ông mà, không thể hèn hạ được.
 
Khi gia đình hết chu cấp, khi chuẩn bị lập thân, người đàn ông lúc đó mới phát hiện ra rằng, công việc tốt thì không dễ tìm. Việc ra riêng lập nghiệp thì chỉ dành cho người thông minh lanh lợi và chịu khó cực kỳ mới làm được chứ không dành cho đại trà. Người não kém cỏi chiếm phần đông trong xã hội chứ không như trong sách dạy làm giàu hay mấy khoá học làm giàu nói là "ai cũng làm giàu được". Luôn có 1 nhóm người ảo tưởng năng lực bản thân, cái gì cũng chê vì "não không đủ trình để biết mình là ai", nhưng kết quả sẽ chứng minh tất. Nói hay viết hay như thánh, cái tôi kiêu kỳ cỡ nào cũng được....miễn là làm ra thật nhiều tiền, có nhiều thành tựu, chủ vài nhà máy xí nghiệp thì tha hồ "tôi nghĩ, tôi muốn, tôi cho là, theo tôi, tôi không hài lòng, tôi không chấp nhận....". Còn lại không có gì thì âm thầm làm đi, nói ra người ta cười cho vì đã có gì đâu mà bày đặt phát biểu.
 

Người xưa thường nói, phụ nữ như một quyển sách khó hiểu, lấy về rồi mới phát hiện yêu cầu của họ rất nhiều, có cái này lại muốn có cả cái kia, đòi phải lo cuộc sống gia đình sung túc đủ đầy nhưng cũng phải tối về nhà thật sớm quây quần bữa cơm gia đình kiểu tiểu thuyết ngôn tình. Chuyện cân bằng sự nghiệp với hạnh phúc gia đình là vô cùng khó. Bởi vì đàn ông cũng giống như những công nhân vác gạch, tay họ cầm gạch nên không thể ôm bạn, nhưng nếu đặt xuống để ôm thì họ lại không thể nuôi bạn và cho bạn cuộc sống đủ đầy.
 
Với người đàn ông yếu mềm trọng tình cảm quá, hai tay họ chỉ để ôm tình yêu, thì đời họ sẽ không có toà nhà nào cả. Cả ngày quấn quýt với phụ nữ thì người đàn ông đó chỉ có tấm thân và tấm lòng, đầu tiên phụ nữ cũng thích nhưng chơi với 2 tấm đó mãi cũng chán.
Còn với người đàn ông cố gắng cân bằng, 1 tay ôm gạch xây nhà, 1 tay ôm bạn tình, thì toà nhà cũng chẳng thể xây cao được.


Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

Tố chất người làm tướng

 (Tony buổi sáng)


1. Trong Hán Sở thư hùng, thiên hạ vẫn cho là Hạng Vũ giỏi giang hơn Lưu Bang nhiều, nhưng chung cuộc lại thua. Có nhiều nguyên nhân, nhưng lịch sử nhắc sâu vào 1 chi tiết là Hạng Bá, chú của Hạng Vũ, người mà Hạng Vũ tin tưởng hết lòng, là một thường dân, không đủ bản lĩnh làm sếp. Cho làm tướng (kiểu CEO ngày nay của các doanh nghiệp) nhưng lại không giữ miệng, tiết lộ chuyện cơ mật, khiến Hạng Vũ thất bại trong đợt tấn công vào Lưu Bang. Tố chất lớn của người làm tướng, làm đại nghiệp, là phải kín bưng, các nước cờ họ đi không ai biết, kể cả vợ con. Nhiều vị tướng bại trận cũng vì tiết lộ ngày mai mình đi đâu cho vợ hoặc người tình, và vợ/người tình thì lo lắng, đi ra chợ gieo quẻ bói xem cát hung thế nào, và cứ thế việc quân lọt ra ngoài. Tố chất là người làm tướng là không chia sẻ việc quân với người không liên quan. 
 
2. Bạn A, năm ngoái làm hồ sơ du học. Mới dự định mà đã kể khắp vì chịu không nổi. Thế rồi bạn phỏng vấn trượt visa, sau đó thì phải giải đáp thắc mắc của cả trăm người, tốn thời gian vô cùng. Người thương thì lo lắng, người ghét thì hả hê, người quan tâm tò mò thì bu vô hỏi.
 
3. Ca sĩ B, vừa có thai là loan tin ầm ĩ trên báo. Post hình chuyện thai nghén, chồng chăm sóc vợ ăn uống ra sao lên phây. Người thương cũng nhiều mà kẻ ghét cũng không ít, nên khi nghe cô động thai thì vui mừng bảo cho chừa, nói những lời ác độc cay nghiệt, hả hê. Lần sau cô có thai, cô bí mật cho đến ngày sinh. Gặp mình, cô nói, trước đây, em thật dại dột khi chia sẻ chuyện cá nhân. Lẽ ra, khi có thai, chỉ có 2 người em nên thông báo là chồng em và mẹ ruột em. Vì họ là người sẽ giúp em khi sinh. Còn những người KHÔNG THỂ GIÚP MÌNH, việc thông báo tin tức cho họ sẽ khiến mọi thứ rắc rối thêm. Với người không liên quan thì không việc gì phải báo cáo hay chia sẻ, đó là nguyên tắc về thông tin cá nhân, nhưng giờ em mới hiểu. Chuyện mình bị bàn tán, bị cản là DO MÌNH nhiều chuyện mà ra, chứ mình không nói CÁI MÌNH NGHĨ TRONG ĐẦU sao ai biết? 
 

 4. Bạn C, sau 5 năm làm phiên dịch thì quen một đối tác người Nhật, ông ấy đề nghị đầu tư một cơ sở sản xuất tăm xỉa răng để xuất khẩu, bạn lo đầu Việt Nam, ông Nhật lo tiếp thị ở bên kia. Bạn vốn là “con ngoan trò giỏi” nên nghỉ làm cũng xin phép gia đình, mở cơ sở làm ăn cũng xin phép. Cha đồng ý - mẹ phản đối. Bà mẹ tới gặp ông Nhật, điều tra đời tư người ta, ông Nhật không chịu, nói làm ăn thì liên quan gì đưa giấy tờ kết hôn hình vợ con ông ấy bên Nhật cho coi. Rồi bà mẹ sợ nên làm ầm ĩ cả lên, ai ai cũng biết, bạn nhức đầu đòi chết đòi sống. Sau này bạn nói những chuyện cá nhân làm ăn như thế này, không cần phải thông báo với cha mẹ gì cả. Chuyện mình mình làm, làm ăn chỉ thông báo với người LÀM CHUNG, NGƯỜI GÓP VỐN. Người làm ăn là đối tác, gặp gỡ bàn chuyện kinh doanh mà dắt chồng vợ cha mẹ đi theo, thật là phiền cho người ta. Họp lớp hay đám bạn thân đi nhậu cũng vậy, cứ có vợ có chồng kè kè theo, thật là khó tự nhiên cho người khác. Ra mở công ty mà chồng làm giám đốc, vợ làm kế toán thì công ty đó chỉ phát triển ở giai đoạn đầu. Vì tiền quản chặt quá, cơ hội dễ bị bỏ qua, không chịu bỏ tiền đầu tư thì sao có thu hoạch, sợ mất sao làm lớn, chỉ đưa mồi nhỏ ra nhử thì chỉ có thể câu được cá nhỏ. Và người giỏi cũng ngại vô làm, tâm lý họ sợ gia đình trị trong doanh nghiệp, nhất là ra những quyết định cảm tính, tùy tiện vì “vợ thấy con đó ngứa mắt, chồng đuổi đi cho vợ”. Có bữa thì cả giám đốc và kế toán trưởng đều vắng mặt, không ai ký giấy tờ vì “nhà có đám giỗ”. Các doanh nhân lớn, không ai biết mặt chồng con, vợ con của họ là ai, làm gì, ở đâu, có người chỉ giữ 1 ít cổ phần trong công ty và hết. Dù 1 đám “tò mò viên” suốt ngày vểnh tai lên nghe ngóng, săn hình, đồn thế này, thế kia... Mình còn quan tâm đời tư người khác là mình còn quá tò mò tiểu nông và....quá rảnh. 
 
5. Bạn D, học xong cấp 3. Lúc bạn thi ĐH, ngành ngân hàng còn hot. Bốn năm sau, ngành này bão hoà, trường nào cũng hàng nghìn bạn tốt nghiệp. Vật vạ mãi ở phố, bạn đăng ký thực tập sinh nông nghiệp ở nước ngoài. Làm lương một ngày khoảng 60-70 đô la Mỹ, nhưng lao động chân tay, có 1-2 ngày đi học/tuần. Bạn thấy thú vị nhưng gia đình bạn thì không. Nghe con trai kể "chuyện ở bển", ba mẹ bạn kể cho chòm xóm nghe ngay, rồi chỉ sau 1 ngày, cả huyện đều râm ran. Nói tưởng học giỏi vậy thì làm ông này bà kia, té ra đi xuất khẩu lao động. Có vô NASA Boeing gì đó còn tạm chấp nhận, đằng này đi hái cà chua trồng nấm, vắt sữa bò…xấu hổ chưa. Cha mẹ bạn ấy thì buồn vì khổ tâm, còn bạn ấy thì tâm tư mãi.
 
Đọc thư bạn mà mắc cười. Mắc mớ gì buồn. Kệ mọe họ chứ, có nuôi nhau ngày nào đâu mà quan tâm họ nghĩ gì, họ nói gì. Chữ sĩ được trọng quá mức trong văn hoá Khổng Giáo khiến ai cũng muốn ngồi đọc sách và chỉ tay năm ngón, bất chấp năng lực. Rồi hệ quy chiếu của mình xưa nay là hệ quy chiếu văn hoá làng xã, nên anh Dư chị Luận nào đó…dựa trên hiểu biết nhỏ nhoi của mình mà nhiệt tình đánh giá người khác. Ai cũng biết người khác phải nên làm gì, phải sống thế nào trừ bản thân họ. Hàng xóm láng giềng người quen là ai? Tập hợp những con người đó với nhận thức có hạn, hiểu biết có hạn,…nên không việc gì phải sợ. Mỗi người trong chúng ta giỏi lắm biết và giao tiếp với 1000 người, quanh đi quẩn lại 1000 người đó biết nhau, chuyện đông tây nam bắc có biết chi mô mà ý cò ý kiến? Ngoài kia thế giới có 7 tỷ người so với tập hợp 1000 người trong làng hoặc trong phường, có nhiều cái khác lạ lắm. Những cái thành công, thất bại, trí khôn và kinh nghiệm của người quen không giải quyết được, không thể hiểu được, không đánh giá được.
Lúc triều đình Huế cử người đi sứ Pháp, sứ về kể bên đó có đèn chúc đầu xuống, quan văn triều đình cười như nắc nẻ. Rồi kể có xe đi hai bánh, không ai tin, nói hai bánh sao cân bằng, sao chạy được. Bảo là thằng ni răng mà nói xạo nói điêu, cả đám ngồi uống trà bên sông Hương cười chế nhạo, râm ran cả chợ Đông Ba. Chiếc bóng đèn điện và chiếc xe đạp đã vượt qua mọi khả năng tưởng tượng của họ. Vô bộ lạc nào đó kể có cái ống sắt, bỏ mấy trăm người chạy đà trên đường băng rồi bay lên không trung cả chục cây số trên mây, rồi tới nơi gần đến thì giảm tốc độ và hạ xuống, thả người chui ra, 1000 km chỉ mất có 1h đồng hồ, thì khả năng bạn sẽ bị hoả thiêu vì hoang tưởng. KIẾN THỨC, KINH NGHIỆM, THIỆN NGUYỆN THÌ TÍCH CỰC CHIA SẺ, CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT, CÒN CHUYỆN CÁ NHÂN HAY LÀM ĂN, THÌ CHỈ CHIA SẺ CHO NGƯỜI CÓ THỂ GIÚP ĐỠ MÌNH. Dặn cha dặn mẹ, con báo cho biết vậy thôi, đừng chia sẻ chuyện riêng của con ra ngoài, con mà nghe là không có lần thứ 2 kể chuyện. Đám cưới làm vừa phải thôi, làm hoành tráng quá, lỡ ly hôn đi giải trình mệt mỏi. Làm ăn thì khai trương giản dị thôi, rầm rộ quá lúc phá sản đóng cửa nghe điện thoại "sao vậy em, sao vậy anh.." đến cháy máy á.
 
6. Việc mình dự định thì mình âm thầm triển, không cần phải chia sẻ với bố mẹ anh chị em vợ con gì sất, kẻo họ lo lắng và đi hỏi thăm chỗ này chỗ kia, cũng toàn bà Tư bà Bảy. Cứ qua hỏi ông Năm là con trai tui sắp đi Israel thực tập, thì ông Năm nói là đừng đi, bên đó đang bắn nhau ghê lắm, tui nghe trên tivi về dải Gaza, bờ tây sông Jordan…. Thực tế là trong 1 năm, lượng người chết do xung đột ở đó không bằng tai nạn giao thông do xe máy ở nước mình trong một ngày. Có bạn muốn đi đào tạo kỹ sư bên Nhật, bà mẹ liền cắp nón qua bà Bảy hỏi, vì bà Bảy hồi trẻ từng ở thành phố, từng bán cà phê cho một ông Nhật. Bà Bảy liền phán bên đó động đất ghê lắm, cho đi là mất con, tui lạ gì nước Nhật.
Bé Vy (con chị Tuyết, chị họ mình) được học bổng đi Mỹ. Bữa bé Vy lên phường làm giấy tờ, anh văn thư ký giấy xong là ra quán cà phê bên chợ loan tin. Chị Hồng bán bún bò vừa gắp bún vừa vểnh tai nghe ngóng, nghe cái Vy sắp đi Mỹ thì ngưng bán, nói khách ăn nhanh nhanh giùm, bữa nay nhà có chuyện. Chị rửa tay, chùi chùi vào quần, tất tả qua nhà chị Tuyết nói “bên Mỹ xả súng hàng loạt, em có bà con bên đó", "anh chị phải cản lại, con của mình, mình cho hay không cho tụi nó phải nghe, không là đại bất hiếu”, “nó mà kiên quyết đi là chị từ nó cho em. Con em là em bóp mũi chết chứ ở đó mà dám trái ý”, “Em bỏ cả nồi bún bò qua đây chỉ để “chân tình góp ý” thôi đấy!
Còn nhớ năm 2000, mình đi Hồng Kông làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia trong 6 tháng, hồi đó còn thơ ngây, hay đem chuyện ra kể cho bạn bè người thân nghe. Nghe kể xong, bạn bè cà phê nói đừng đi mày ơi, bên đó người ta bắn nhau chéo chéo trên phố, ghê lắm. Mình chỉ cười, vì trong tâm thức các bạn, Hồng Kông là thế giới của phim xã hội đen TVB với Thành Long, Châu Nhuận Phát, Lê Minh, Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc, …
(2014)

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Tâm lý học - Bản đồ 16 tính cách

 (Minh Rong)


Hôm nay Martin chia sẻ với các bạn một công cụ tâm lý học cực mạnh. Đây là công cụ từ lâu đời nhưng trong Thế chiến hai, nó đã được cải tiến và nâng cấp. Tình cờ mà Martin đã được lĩnh hội và rất bất ngờ khi sang Israel, mình lại nghe một giáo sư cho biết công cụ này được sử dụng thường xuyên trong các bài test tuyển dung của quân đội Israel.
 
Công cụ có tên Bản đồ tính cách 16 nhóm, được phát triển dựa trên nền tảng MBTI nhưng có cải tiến. Mình xin nói rõ đây là một công cụ dựa vào mô hình descriptive, tức mô phỏng lại thực tế, nhưng không rõ ràng trong việc đưa ra lời khuyên mang tính giải pháp. Tức là sau khi sử dụng mô hình này, các bạn sẽ cảm thấy nó đoán đúng tính cách của mình quá, như đi guốc trong bụng vậy đó nhưng bạn sẽ không hiểu sâu được nguyên nhân, cũng không tìm ra được giải pháp để phát triển tối đa tiềm năng của bản thân. Để làm được việc đó chúng ta cần mô hình mang tính prescriptive, loại mô hình giúp truy cứu nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Martin sẽ chia sẻ một công cụ như vậy trong các bài sau, nó tên là La bàn 9 hướng. Bài này chỉ giới hạn một mô hình descriptive thôi nhé.
 

 
Martin sẽ giới thiệu năm nhóm yếu tố chính sẽ quyết định tính cách của một người. Yếu tố thứ nhất là "Cách lấy năng lượng", chia làm hai kiểu người là người Hướng nội và người Hướng ngoại. Người hướng ngoại cảm thấy được tiếp năng lượng từ những hoạt động mang tính nhiệt tình, như hoạt động nhóm, dã ngoại, du lịch nhóm, nói chuyện với mọi người, gặp mặt bạn bè. Nhóm này mà để họ ở một mình hơi lâu sẽ cảm thấy buồn buồn chịu không nổi, tro tàn bếp lạnh là điều tối kỵ với họ, phải hoạt động nhiều thì họ mới thấy sảng khoái và khoẻ mạnh. Ngược lại người hướng nội rất thích chill một mình, đối với họ việc tập trung chú ý vào một chủ đề mang tính cá nhân, sở thích đam mê riêng, không gian tĩnh lặng, môi trường ít xung đột là điều kiện tiên quyết để họ cảm thấy lên tinh thần, khoan khoái, dễ chịu, xả stress. Nhóm này mà bắt họ phải xã giao với người lạ, làm việc trong môi trường nhiều áp lực, hay gặp những người ăn nói bỗ bã ồn ào, thì họ sẽ thấy chán nản, khó chịu, tức giận và hiệu suất làm việc xuống rất nhanh.
 
Yếu tố thứ hai là “Ưu tiên sử dụng năng lượng”, gồm hai nhóm người Trừu tượng và Thực tế. Nhóm trừu tượng thấy những vấn đề ngắn hạn, thực tế ngay trước mắt là chuyện vặt, cỏn con, tủn mủn, không có ý nghĩa; còn người thực tế thì cho rằng những việc xa xôi là tào lao bí đao, chẳng lan quyên gì tới sự sống hiện thực. Thật ra cả hai đều quan trọng. Một sự công bằng sẽ thừa nhận người thực tế xử lý công việc hiệu quả và đáng tin cậy, trong khi người trừu tượng có khả năng think out of the box, sáng tạo, nhìn ra những khía cạnh quý giá nhưng thường bị bỏ qua do quá khó hiểu đối với người thực tế. Người trừu tượng giỏi giải đáp Why trong khi người thực tế thông thạo How.
 
Yếu tố thứ ba là “Giá trị sống ưu tiên”, gồm người Lý trí và người Tình cảm. Người lý trí quan trọng nhất sự hiệu quả: ý định dù tốt đến đâu nhưng không đúng phương pháp dẫn đến kết quả tồi thì không có giá trị. Họ sẵn sàng ra quyết định phật lòng nhiều người nếu biết cuối cùng đem lại quả ngọt. Người tình cảm quan tâm đến cảm xúc người khác hơn. Đối với họ cách làm dù tốt nhưng tổn thương mọi người thì là sai và không đáng, quan trọng không phải đích đến mà là quãng đường chúng ta bên nhau.
 
Yếu tố thứ tư là “Chiến lược sống”, gồm hai nhóm người Kỷ luật và người Tuỳ cơ ứng biến. Người kỷ luật thích lập kế hoạch cụ thể, ghét mọi việc không xảy ra theo dự trù. Họ dự trù rủi ro, tuân thủ luật lệ, hoàn thành trước hạn, quyết nhanh ngay khi còn thế chủ động. Nhờ vậy, người kỷ luật ít gặp bất ngờ, tai nạn do thiếu sót, xao nhãng. Nhưng khi sự vụ bất ngờ ập tới ngoài tất cả những dự liệu, dù nếu bình tĩnh họ dễ dàng vượt qua, thì nhóm này lại lúng túng và hoảng loạn hơn bình thường. Ngược lại người tuỳ cơ ứng biến có khả năng thích nghi nhanh, thay đổi tốt, nhanh trí, linh hoạt tuỳ hoàn cảnh có cách cư xử tốt nhất. Nhưng cũng vì vậy, họ hay “hoa rơi cửa Phật vạn sự tuỳ duyên”, ghét lập kế hoạch, bất tuân mệnh lệnh, không thích bị cầm tay chỉ việc, thiếu kiên nhẫn. Họ thường gặp tai nạn tiếu lâm vì những sai sót ấu trĩ do thiếu chuẩn bị chu đáo, đãng trí và mất tập trung.

 Yếu tố cuối cùng là “Vị trí đặt góc nhìn chính mình”, gồm người Từ ngoài nhìn vào và người Từ trong nhìn ra. Người từ ngoài nhìn vào thường tự hỏi trong mắt mọi người, trong mắt thế hệ sau, mình là người như thế nào. Họ tham vọng lớn và luôn nỗ lực tuyệt vời để thành công vì chỉ có như vậy họ mới nhìn thấy bản thân sống có ích, có giá trị. Ở phiên bản tích cực nhất, họ đóng góp lớn vào tiến trình đi về phía trước của nhân loại, mở giới hạn, biến điều không thể thành có thể. Nhược điểm là nếu mọi việc không như ý, tức là “thất bại” trong quan điểm của họ, thì họ cảm thấy chán nản, bi quan, cay cú, tự ti, xấu hổ, nặng lời chỉ trích, sỉ vả, giễu cợt. Ngược lại, người từ trong nhìn ra không tham vọng lớn, không màng người khác nghĩ gì, chỉ biết làm tốt vai trò bản thân để phù hợp với tổng thể xã hội, khiêm tốn, nhường sân cho người khác. Nếu hướng ngoại thì rất giỏi chiêu hiền đãi sĩ, vinh danh nhân tài, đắc nhân tâm và dụng người, còn nếu hướng nội thì độc lập, tỉ mỉ, tập trung và kiên định, tránh tranh chấp nhưng cũng không ngại đứng giữa một rừng tranh chấp vì tâm họ bất biến giữa dòng đời vạn biến. Có điều đặc biệt là người từ ngoài nhìn vào không thừa nhận mình là kiểu người như vậy, vì họ lo người khác sẽ đánh giá họ phụ thuộc. Còn người từ trong nhìn ra thì không thừa nhận mà cũng chẳng phủ nhận gì cả, do họ liên tục trong trạng thái tìm hiểu môi trường bên ngoài nên không để ý đến địa vị bản thân mình.
 
Đến đây Martin biết các bạn đã thấy rộn ràng nở hoa sung sướng khi được biết thêm một công cụ cực mạnh gọi là Bản đồ tính cách 16 nhóm. Với tấm bản đồ này, bạn có thể định vị rõ ràng vị trí của bản thân, người thân, bạn bè, và cả...đối thủ cạnh tranh nữa. Phần quan trọng nhất của Tấm bản đồ: cách kết hợp 5 yếu tố để cấu thành ra một nhóm tính cách, cũng như cách phân loại nhanh từ 16 nhóm thành 4 nhóm tổng quát.
 
Notice: Martin sẽ đăng tiếp ở bài sau. Nhớ bấm theo dõi chế độ xem trước FB để đọc các bài viết nhé, vì nếu không, bài dễ bị trôi, khó tìm lại. Mãi yêu các bạn. Martin Trương Đức Minh.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

TRÍ VÀ TIỀN

 (Tony Buổi sáng)

Một người Singapore nọ từng học rất giỏi, có nhiều thành tích về học hành nhưng cuộc đời không có thành tựu gì lớn như anh ta mong muốn. Khi gặp ông Lý Quang Diệu, người đó mới than thở là "Tôi là người có trí, nhưng vì không có tiền nên mới không làm được việc lớn". Xong ông Lý Quang Diệu nói lại ngay "tôi thì cả đời có cơ hội gặp hàng ngàn người, tôi chưa thấy ai có trí mà không có tiền cả. Nếu anh không làm ra tiền thì cái trí của anh chỉ là trí nhớ. Bề dày thành tích, tốt nghiệp trường xịn, học hàm học vị là cái vớ vẩn. Một là chơi luôn kỳ tích (tức thành tích vượt bậc), hai là thành tựu cụ thể, mới có chỗ đứng trong XH ngày nay". 

Cuộc đời mình đã gặp rất rất nhiều người có trí nhưng không có tiền, và bản thân mình cũng đã từng trải qua cảm giác đó, chỉ vài tháng thôi nhưng đó là khoảng thời gian hơn cả khủng khiếp. Người có đủ trí để biết mọi lời khôn khéo trên đời, chẳng hạn như "hãy vui với những gì mình có, vẫn còn hơn bao người bất hạnh khác" chẳng hạn. Nhưng tất cả chỉ là cảm giác thoả mãn phút giây, sau đó lại rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, giữa một bên là nhu cầu khẳng định giá trị bản thân, nhu cầu thể hiện cái tôi (nhu cầu cao nhất của tháp Maslow) và một bên là không thực hiện được vì không biết triển khai thế nào, bắt đầu từ đâu, tiền và người hỗ trợ ở đâu?...Lực bất tòng theo tâm mình muốn thì có gì đau đớn bằng. Chúng ta thường gặp nhóm người này ở các quán cà phê đô thị lớn, các quán nhậu hơn mức bình dân nhưng dưới mức sang, và rất nhiều người đang sống trên mạng, cầm điện thoại hay laptop cả ngày và mắt đắm chìm nhìn vào đó, xem hết tin này tới tin khác, coi hết FB người này tới người khác. Rồi đói bụng, rồi ăn, rồi chẳng biết làm gì nữa cho hết ngày.

Thà không có trí nhiều, như 1 anh nông dân ngây thơ nào đó, cứ xong việc đồng áng thì lăn ra ngủ, nông sản ế thì khóc, nông sản cao giá thì cười, không có tiền thì ra đồng bắt ốc hái rau. Với họ, việc không có tiền không có gì khủng khiếp, hàng ngàn năm qua họ đã thế rồi. Như chú công nhân vui vẻ với tiền công nhật kiếm được, chủ ứng tiền thì ghé vỉa hè làm chai bia, xài hết tiền rồi về ngủ, mất việc với họ cũng nhẹ nhàng, thôi đi xin việc khác kiếm cơm. Nếu đời vậy thì cũng bình yên, không có gì đáng chê trách. Nhưng với người có trí, khi nhìn thấy người khác có được cái mà mình mong muốn, mà mình lại không có được, một cảm giác vô cùng khó chịu giằng xé trong đầu họ. Cảm giác ganh ghét, đố kỵ và tự nhủ không nên ganh ghét đố kỵ nữa, vậy là xấu lắm đó tôi ơi. Và thấy người thành công ngã ngựa, cảm giác đan xen là vừa hả hê lại vừa buồn thương. Và với bản thân mình, vừa tự tìm cách an ủi lại tìm cách trách móc. Cảm giác này thường sẽ dẫn con người theo 2 hướng:

1. Hướng tiêu cực là trở thành NGƯỜI BẤT ĐẮC CHÍ, chê hết thảy, cho rằng ai cũng dở kém hơn mình, nhưng họ thành công vì gặp thời, may mắn, thực dụng kiếm tiền (tìm 1 số lý do khách quan nào đó), còn mình thì "sẽ có hướng đi riêng, không ai thành công hơn ai cả". Họ chỉ nể những người nào đó mà thật sự họ không biết rõ (ví dụ các danh nhân lịch sử học đọc được qua trang sách, hoặc các tỷ phú USD họ cũng đọc được trên sách báo chứ họ làm gì có cửa quen biết với họ). Một cảm giác vừa cay đắng vừa xót xa vừa kiêu hãnh, rất đặc trưng của nhóm người này. Và họ tự ái dữ dội, bất cứ lời chê nào cũng là ngòi nổ thùng thuốc súng chất chứa trong lòng họ bấy lâu.

TỰ ÁI là tự mình yêu mình, chỉ có ở nhóm người còn ở vị thế rất thấp. Còn người có thành tựu thực sự, hoặc ở tầm cao, họ không hề có tự ái. Người tự ái còn nguy hiểm ở chỗ là suy diễn rất kinh, vì họ nghĩ "ai ai cũng nói đến họ", câu nào cũng "chắc là nói mình đây"...trong khi thực tế là mình vô danh, đâu có đáng để người ta nói đâu. Mình tự nghĩ thế thôi, không ai quan tâm đến mình nói gì đâu. 

 

2. Hướng tư duy tích cực, họ NGỘ ra và tự mình có giải pháp một cách quyết liệt, triển khai ngay và luôn. Bàng hoàng nhận ra mình không giỏi, không ngon, không cao sang, không quý hiếm gì như mình nghĩ. Mình đã rất tào lao, đã lãng phí thời gian quá rồi. Thường là có 1 cú sốc gì đó rất lớn ví dụ bản thân bị bệnh nan y, hoặc người thân qua đời mà họ không giúp được. Họ thấy được cái chết là cái chính bản thân họ sẽ phải đối diện trong tương lai, QUỸ THỜI GIAN ĐỜI NGƯỜI KHÔNG CÒN DÀI NỮA, và bắt đầu trưởng thành. Không còn bàn bạc chuyện phiếm nữa. Không còn lý luận và giảng đạo nữa. Không còn kể lể dí dỏm hài hước rồi ngồi đếm like hay trả lời comment nữa. Họ hạ cái tôi, bỏ cái sĩ diện hão, bắt đầu lao ra làm một cách thực tế, vội vã làm, bắt đầu chẻ củi rang gạo, lau nhà...(vốn những việc mà họ cho là không xứng với họ, họ sẽ thuê người làm vì họ đặt mình ở vị thế cao, chỉ tiếc là không có tiền để thuê). Họ sẽ bớt lười biếng (vì nhóm này thích đọc sách, đọc tin tức, thấu hiểu nội dung và hiểu biết rất nhiều đông tây kim cổ, thích viết và thích nói, chỉ có làm là không được vì bản thân có bệnh lười biếng, nhất là hoạt động thể chất, nên người hoặc tong teo gầy còm hoặc bụng to hơn ngực vì ít vận động). Thất bại rất nhiều khi ra làm, vì họ là người thiếu kỹ năng và nhiều chứng bệnh SĨ còn rơi rớt khiến họ rất khó làm việc với người khác. Nhưng cuối cùng thì họ có thành tựu. Lớn nhỏ thì tuỳ may mắn của đời người. NHƯNG KHÔNG LÀM THÌ TUYỆT NHIÊN KHÔNG CÓ MAY MẮN. Thần may mắn chỉ thích mùi mô hôi người.

Những người trẻ có trí mà "biết mình biết ta" sớm, chịu lao động sớm thì bước vô nhóm CÓ TRÍ VÀ CÓ TIỀN. Dù ở đâu, họ cũng tự tìm niềm vui, phong lưu khoáng đạt, khẳng định được giá trị bản thân mình. Niềm vui của họ không phải vì sở hữu tài sản cá nhân, mà là giúp người, giúp quê hương.

Có trí thì phải nghĩ cách sản xuất kinh doanh ra tiền, nếu không cái đó chỉ là trí nhớ. Các kỳ thi chữ nghĩa học hành chỉ kiểm tra được trí nhớ và năng lực suy luận logic, không thể tìm được người tài ở đó. Người tài là thông qua làm, ai có thành tựu là tài. Nói hay - viết giỏi - bằng cấp cao - học Tây học Tàu - đi khắp nơi trải nghiệm nhiều vô kể.... nhưng cả thảy đều vô nghĩa nếu không để lại bất cứ thành tựu gì.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

CON GÁI - XIN ĐỪNG KẾT HÔN VỚI NGƯỜI NGHÈO

(from Bố, Mẹ vợ)

“Nếu bạn có con gái, một ngày nọ, con bé dẫn về nhà một “thằng nghèo”, bạn sẽ làm gì?

“Con gái à, mẹ luôn để con theo đuổi thứ mình thích, cho con tự do, dạy con tự trọng. Nhưng tuần trước, sau khi gặp chàng trai mà con rất thích, có mấy lời mẹ muốn nói cùng con, chỉ sợ rằng sẽ làm con buồn.
Đúng là cậu ấy rất đẹp trai, trình độ học vấn tương đương với con, thoạt nhìn vô cùng hào hoa phong nhã. Con dẫn cậu ấy đến gặp cha mẹ, nhưng giờ phút này, cha mẹ không nỡ và cũng không yên lòng, vì cậu ấy quá “nghèo”:

1. Tư tưởng “nghèo”
Con gái à, con phải nhớ kỹ những lời này của cha. Đừng tin câu “Từ sâu trong lòng, đàn ông cũng chỉ là đứa trẻ”.
Nếu người đàn ông thực sự muốn chăm lo cho một mái nhà, mặc kệ anh ta trẻ con đến đâu thì đều sẽ thay đổi, bởi vì trên vai anh ta có trách nhiệm, anh ta không còn là đứa trẻ chơi game thâu đêm, không có chí cầu tiến.

Cha và cậu ấy nói tới công việc, cậu ấy kể ra rất nhiều bất mãn, từ bị sếp “đì”, đồng nghiệp nói xấu, công ty quá xa nhà cho đến tăng ca quá nhiều… toàn lời than vãn.
Cha hỏi: “Vậy tại sao cháu không đổi việc?”
Cậu ấy trả lời: “Cháu chưa từng nghĩ tới.”
Cha lại hỏi: “Nếu đổi việc, cháu muốn làm gì?”
Cậu ấy đáp: “Cháu cũng chưa nghĩ tới, có thể sẽ nghỉ ngơi 2 tháng để đi du lịch.”


Không có câu nào cậu ấy đề cập đến kế hoạch tương lai của mình.
Cậu ấy không phải nhân viên công nghệ kỹ thuật có thể đi đâu cũng kiếm được tiền, cũng không phải làm việc trong mảng nghệ thuật cần đi chơi để lấy cảm hứng, cậu ấy chỉ đi để chơi.

Cha mẹ có thể không đòi cậu ấy sính lễ hay nhà cửa, nhưng cậu ấy có thể cho con cái gì?
Con gái à, đừng cho rằng mình có thể khiến một người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông cần con dạy cách trưởng thành sẽ mãi mãi không trưởng thành, bởi vì anh ta luôn thiếu ý thức trách nhiệm.

2. Quan điểm “nghèo”
Con nói cậu ấy rất chu đáo, rất dịu dàng, tốt bụng, chuyện gì cũng nghĩ cho con…
Con gái, mẹ và cha không chê cậu ấy còn trẻ thiếu kinh nghiệm, mà là trong một cuộc hôn nhân, quan điểm phải hòa hợp chứ không phải chỉ cần cậu ấy bưng trà rót nước, lời ngon tiếng ngọt là được.

Dẫu sao cũng là chuyện cả đời của con, mẹ phải hỏi hoàn cảnh gia đình và quan niệm sống của nhà cậu ấy. Sau khi hỏi xong, lòng cha mẹ chợt lạnh buốt.
Thứ nhất, cha mẹ cậu ấy trọng nam khinh nữ, hy vọng sau khi kết hôn, con sẽ sinh được con trai.
Thứ hai, cha mẹ cậu ấy và cả cậu ấy đều không thích con trang điểm vì họ thấy như thế là phí tiền.
Thứ ba, họ cho rằng phụ nữ phải chăm lo cho gia đình là điều hiển nhiên, chỉ khi nào con bận quá không rảnh tay nổi thì mới giúp con làm việc nhà.


Lập gia đình không chỉ là gả cho một người chồng mà còn là gả cho cả một gia đình. Sinh con không phải để nối dõi tông đường cho nhà chồng mà còn là kết tinh của tình yêu. Trang điểm không phải để lấy lòng ai đó mà là để chính mình vui vẻ.
Đồ trang điểm là do con tự mua, nếu có lãng phí thì cũng là do năng lực của con cho phép, mẹ thấy con chẳng sai gì cả.
Cuối cùng, chăm lo cho gia đình là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hai người, là việc mà đôi bên đều phải làm. Nếu cậu ấy thương con vì mất sức khi sinh em bé, chắc chắn cậu ấy sẽ chủ động đỡ đần cho con nhiều hơn, chứ không phải chờ con bận quá không rảnh tay rồi mới phụ giúp cho con.

Cậu ấy là cục vàng cục bạc của cha mẹ cậu ấy thì con cũng là cành vàng lá ngọc của cha mẹ. Con thấy có đúng không?
Bé con ngốc nghếch, con chỉ biết vị ngọt của tình yêu nhưng lại không biết rằng hôn nhân là một “nấm mồ”. Tình yêu chỉ cần đôi lứa yêu nhau, còn hôn nhân lại cần quan điểm hòa hợp.

3. Tiền đồ “nghèo”
Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy con không được nói nhiều làm ít, không được khinh người, con người có ngã xuống thì mới có đứng lên và đi tiếp.
Nhưng lúc này đây, cha mẹ thực sự ghét cái “nghèo” của cậu ấy, không phải vì cha mẹ khinh người.
Nhà cậu ấy không giàu, không sao cả, lý tưởng của đàn ông không được đánh giá qua của cải trong gia đình.

Công việc của cậu ấy chưa khởi sắc, không sao cả, không nhiều người thành công khi tuổi đời còn trẻ, cái gì cũng cần có thời gian.
Nhưng mà, không sợ cậu ấy tài hèn học ít, chỉ sợ cậu ấy nghèo mọn ý chí.
Trong hôn nhân, đáng sợ nhất không phải là đói nghèo mà là không có hy vọng.

Con có nhớ khi con còn nhỏ không? Hồi đó cha con rất nghèo, mùa hè không mua nổi dưa hấu, mùa đông không mua nổi áo lạnh, nhưng cha con cố gắng làm việc, học hỏi người lành nghề, tích cực tham gia các hoạt động trong nhà máy, mỗi tháng phát lương là đưa hết cho mẹ, không dám mua thứ gì cho mình, chỉ mong hai mẹ con chúng ta sống thoải mái hơn một chút.

Quãng thời gian đó rất cực khổ nhưng cũng rất ấm áp, bởi vì mẹ nhìn thấy hy vọng, nhìn thấy một tương lai tốt đẹp hơn.
Mẹ biết cha con đang nỗ lực nên mẹ cũng càng cố gắng hơn. Trong thời gian làm công ở xưởng may, mẹ luôn là nhân viên xuất sắc. Cha mẹ động viên cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Về nhà, mẹ nấu cơm, cha con rửa chén, mỗi lần mẹ làm việc nhà, cha con sẽ giành làm để mẹ có thời gian chơi cùng con.
Bây giờ, tuy đã có chút thành tựu nhưng cha con vẫn thường nói với mẹ: “Trước kia đã để em chịu khổ nhiều rồi.”

Mẹ rất may mắn khi đã gặp được một người đàn ông có ý chí, có tiền đồ, và có lòng biết ơn.
Đàn ông, thời trẻ có thể nghèo nhưng không thể không có tiềm lực, không thể không cho người thân hy vọng.
Các con ở bên nhau, mẹ không lo con phải chịu khổ cùng cậu ấy một thời gian, cái mà mẹ sợ là con phải chịu khổ cả đời.


Nghèo gì cũng được nhưng không thể nghèo ý chí.
Cha mẹ không phải không cho con ở bên cậu ấy mà là cậu ấy phải thay đổi, còn cậu ấy phải thay đổi thế nào, là người từng trải, cha mẹ sẽ cho con biết.

Cậu ấy phải làm được ít nhất bốn điều sau mới có thể cướp con khỏi vòng tay của cha mẹ:
- Một là không được lười. Cố gắng làm việc, không được phạm pháp, có thể than vãn nhưng phải tiết chế, có thể đi chơi nhưng không thể bỏ bê công việc.
- Hai là có kế hoạch với tương lai. Không phải lo xa mà là có hoạch định rõ ràng. Cậu ấy theo chủ nghĩa đàn ông nhưng lại không thể đảm đương trách nhiệm của đàn ông, như vậy là không được.
- Ba là thay đổi quan niệm về sinh con và nhiệm vụ của vợ. Con sinh con trai hay con gái thì họ đều phải yêu thương, như vậy gia đình mới êm ấm. Cậu ấy không phải giúp con làm việc nhà mà là vì mái nhà, cậu ấy tình nguyện trả giá chứ không phải là bị ép buộc.
- Bốn là luôn nhớ rằng cậu ấy đã trưởng thành, và con phải có tiền riêng. Tiền của cha mẹ đều để lại hết cho con nhưng mẹ mong số tiền đó chỉ là hoa dệt trên gấm chứ không phải là than đưa ngày tuyết.

Bởi vì cậu ấy nghèo ý chí, chút tiền mọn của cha mẹ sẽ không cứu được con. Con có muốn tĩnh tâm suy nghĩ lại không?”

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Tình mẹ

(st)

Một hôm, cô gái và bà mẹ cãi nhau. Sau đó, cô bỏ nhà ra đi.

Cô ta chạy rất lâu. Thấy phía trước có tiệm mì, lúc đó, cô mới cảm thấy đói bụng. Nhưng khi cô sờ vào túi, thì một xu cũng không có.
Bà chủ tiệm mì là người tốt bụng, tinh tế. Thấy cô gái đứng đó liền hỏi: “Có phải con muốn ăn mì”.
Cô gái trả lời một cách ngại ngùng: “Nhưng con không mang theo tiền”.
“Không sao, bà có thể mời con ăn”.


Bà chủ mang đến một tô mì nóng hổi. Cô ta rất cảm kích, mới ăn được một ít, thì nước mắt đã chảy ra, rơi xuống tô mì.
Bà chủ an ủi: “Con làm sao vậy?”.

Cô gái vừa lau nước mắt vừa nói: “Con không sao cả, con chỉ cảm kích. Con và bà không hề quen biết nhau, vậy mà bà đối xử với con thật tốt, còn nấu mì cho con ăn nữa. Nhưng con đã cãi lời mẹ và bà đã đuổi con ra khỏi nhà. Bà còn bảo con đừng quay trở lại nữa”.

Bà chủ nghe xong, rồi bình tĩnh nói; “Sao con lại nghĩ như vậy? Con nghĩ thử xem, bà chỉ nấu cho con ăn một bữa, mà con lại cảm kích. Vậy mẹ con đã nấu mười mấy năm cơm gạo cho con ăn, sao con không cảm ơn mẹ mà còn cãi nhau với mẹ”.
Nghe xong cô gái lặng người.

Cô ăn hết tô mì một cách vội vã, rồi lập tức chạy vế nhà. Khi về đến nhà, thì thấy mẹ đang đứng trước cửa đợi. Vừa thấy cô người mẹ rất vui mừng: “Mau vào nhà, cơm mẹ đã nấu xong rồi, thức ăn nguội hết rồi”.
Lúc đó, nước mắt của cô gái lại chảy!

Có khi chỉ nhận được một chút ân huệ của người khác chúng ta lại cảm thấy rất cảm kích và biết ơn. Nhưng đối với ân tình của người thân, thì chúng ta lại làm lơ như không hề thấy.

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

BÓNG BÀN - CÁC CÚ CHẶN BÓNG NHANH VÀ BIẾN HÓA

(st)


Bạn nên chặn các cú giật khi nó vừa nảy lên. Nếu bạn chặn nó muộn, bạn phải khống chế một vùng rộng hơn (thường sẽ có ít thời gian để phản ứng, tùy thuộc vào tốc độ của cú giật), cũng như phải phán đoán cú nảy nhanh và thấp từ bàn. Thậm chí quan trọng hơn, là việc chặn nhanh cú nảy sẽ cho phép bạn vừa khiến đối thủ phải vội vàng, vừa có góc rộng để dồn ép đối thủ. Nếu bạn chạm bóng muộn, đối thủ của bạn có thời gian để phản ứng với cú đánh của bạn, và cú chặn mất đi hiệu quả của nó.

Vậy làm thế nào để bạn có thể biến hóa cú chặn của bạn để làm rối một đối thủ? Đây là những điều tóm tắt.

Độ chắc chắn:
sự chắc chắn tuyệt đối, kết hợp với độ nhanh, sẽ áp chế được đối thủ. Nếu bạn kết hợp độ chắc chắn với ít nhất một sự biến hóa khác, chẳng hạn như điểm rơi hoặc thay đổi tốc độ, cú chặn của bạn thậm chí còn hiệu quả hơn.



Ba điểm rơi:
Các cú chặn của bạn luôn nên hướng đến 1 trong 3 điểm rơi chủ yếu: xa bên thuận tay, xa bên trái tay, và ở giữa. Bằng cách chặn nhanh khi bóng mới nảy lên, đối thủ của bạn sẽ có ít thời gian để phản ứng trước các đường bóng này, và tất cả chúng đều buộc anh ta phải ra khỏi vị trí của mình.

Nghi binh điểm rơi:
Bạn có thể nhắm về một hướng, và tại tích tắc cuối cùng thì thay đổi hướng đánh. Ví dụ, giả sử bạn nhằm cú chặn trái tay của bạn đến phía xa trái tay của đối phương (đối với những người thuận tay phải). Vào giây cuối cùng, chỉ cần đưa cổ tay của bạn ra sau và chặn dọc biên về phía thuận tay (của anh ta). Nghi binh điểm rơi có lẽ là chiến thuật ít được sử dụng nhất trong cú chặn bóng ở trình độ trung bình – rất thường xuyên là những người này để lộ vị trí mà họ sẽ chặn bóng đến trong cú đánh.

Điểm rơi chiến thuật:
Đôi khi bạn cần phải nhồi bóng liên tục vào bên yếu của đối thủ. Hoặc có thể bạn cần phải đưa bóng liên lục vào giữa người đối phương. Với những người khác, bạn có thể cần phải đưa bóng nhanh về bên mạnh của họ để thu hút đối thủ phải ra khỏi vị trí của anh ta, và sau đó đưa bóng trở lại bên yếu, buộc họ phải di chuyển và đánh những cú đánh yếu.

Tốc độ:
Các cú chặn không nên tất cả đều là thụ động. Một cú chặn thọc tới là một cú chặn tích cực, và nếu điểm rơi tốt - xem 3 vị trí nêu trên – là đặc biệt hiệu quả. Đặc biệt bạn có thể chặn thọc tới đối phó với một cú giật mà nó rơi ngắn (gần lưới – ND). Những cú giật chậm, xoáy mà rơi gần lưới rất dễ bị trượt nếu bạn tiếp xúc nó muộn, nhưng nếu bạn chạm chúng một cách dứt khoát khi vừa nảy lên, chúng rất dễ để chặn thọc tới hoặc thậm chí là một cú đập. Để đập chúng, cần rút ngắn cú xoay lấy đà của bạn.

Chặn hãm bóng:
Đây là cách tuyệt vời để thay đổi nhịp độ và làm đối thủ mất nhịp, và đặc biệt có hiệu quả khi kết hợp với một cú chặn thọc tới, hoặc khi đối phó một đối thủ có xu hướng lùi ra xa bàn. Chỉ cần cầm vợt lỏng lẻo và để bóng bật ra từ từ.


Chặn kiểu cắt bóng:
Nếu bạn cắt xuống quả bóng vào thời điểm tiếp xúc, bạn có thể chặn chết quả bóng với xoáy xuống. Động tác này dễ thực hiện bên phía trái tay.

Chặn xoáy ngang:
Ngay khi tiếp xúc bóng, di chuyển vợt sang một bên để tạo ra xoáy ngang. Bạn có thể làm điều này theo 1 trong 2 hướng. Đây là một cách khác để chặn hãm bóng. Cú chặn kiểu này dễ thực hiện bên trái tay.

Chặn xoáy lên:
Bạn có thể tạo xoáy cho bóng ngay khi nó vừa nảy lên, cả bên trái tay hoặc bên thuận tay, nó có phần gần giống với một cú giật mini. (Một số người gọi đó là “nụ hôn xoáy lên”). Ở đẳng cấp thế giới đây là kiểu chặn bóng phổ biến nhất.

Sử dụng cú chặn bóng để thiết lập 1 cuộc tấn công:
Việc chặn bóng tự bản thân nó chỉ giúp bạn một chừng mực nhất định. Nếu bạn muốn sử dụng cú chặn của bạn để làm rối đối phương đến mức bạn có thể tấn công, thì bạn thậm chí phải đặt áp lực nhiều hơn lên đối thủ. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy đối thủ của bạn đã gặp khó khăn với cú chặn của bạn, thì phải chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành 1 cuộc tấn công.
Nhiều hoặc hầu hết những cách thức nói trên có thể sẽ rất khó khăn để thực hiện lúc ban đầu, nhưng đó là bởi vì bạn đã không thực hiện chúng. Hãy xác định những biến thể nào ở trên là phù hợp nhất với trò chơi của bạn. Sau đó tìm thời gian để thực hành chúng trong các buổi tập, áp dụng chúng trong các trận đấu tập, và chúng sẽ sớm trở thành bản năng tự nhiên thứ hai của bạn.